 |
Hình ảnh một nạn nhân trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hôm 7/4/2018 |
Ngày 7/4/2018, hàng chục người chết thảm và hàng trăm người bị thương
trong một vụ tấn công được cho là dùng vũ khí hóa học ở Syria. BBC dẫn nguồn từ
tổ chức “Mũ Bảo hiểm trắng” (White Helmets) và các nhóm cứu hộ địa phương cho
biết, vụ tấn công này làm hàng chục người "chết ngạt" và hàng trăm
người khác bị thương ở Douma, một khu ngoại ô của thủ đô Damascus thuộc vùng
Đông Ghouta. Một số hình ảnh và video được đưa lên mạng xã hội cho thấy hàng
chục dân thường bỏ mạng với bọt trắng đầy miệng và mũi. Một số video chiếu cảnh
phụ nữ và trẻ nhỏ chết khắp các căn phòng.
Ngày 8/4/2018, trong dòng trạng thái viết trên Twitter, Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những lời đe dọa về "cái giá phải trả nặng
nề" cho việc sử dụng vũ khí hóa học sát hại thường dân ở Syria.
Ông viết: "Rất nhiều người đã chết, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, trong
cuộc tấn công hóa học xuẩn ngốc ở Syria. Khu vực của sự tàn bạo bị quân đội
Syria vây hãm, khiến nó hoàn toàn không thể tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Tổng thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm cho việc hậu thuẫn con thú
Assad. Cái giá phải trả sẽ nặng nề".
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Syria
Bashar al-Assad khẳng định: "Đối với chúng tôi, đó chắc chắn 100% là sự
dàn dựng, bịa đặt".
Chưa có bằng chứng nào khẳng định chính phủ của ông
Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học để sát hại dân thường, vào khoảng
4h00 sáng 14/4 giờ địa phương tại Syria, một cuộc tấn công bằng tên lửa vào
Syria được liên quân Mỹ, Anh, Pháp phát động. Tham gia cuộc không kích
này, Mỹ dùng 3 tàu chiến và các máy bay; Anh dùng 4 máy bay, trong khi Pháp
dùng 2 máy bay. Trong vòng 45 phút, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã phóng hơn 100
quả tên lửa vào ba cơ sở của chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad vốn
được Mỹ cho là các cơ sở vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, lực lượng quân đội Nga ở Syria đã
tìm ra bằng chứng cho thấy, vụ tấn công hóa học ở Douma là giả mạo. Kênh truyền
hình "Nước Nga-24" đã quay lại đoạn phỏng vấn cậu bé Syria Hassan
Diab từng xuất hiện trong đoạn clip của tổ chức “Mũ Bảo hiểm trắng” ghi lại
cảnh chạy chữa những nạn nhân bị ảnh hưởng của một cuộc tấn công vũ khí hóa
học.
Câu chuyện cậu bé kể đã được người cha xác nhận và nói thêm rằng không có
cuộc tấn công hóa học nào xảy ra tại Douma. Những người đã tham gia vào việc
dàn dựng các cảnh quay sẽ được cho quả chà là ngọt, bánh quy. Kênh truyền hình
Nga VGTRK đã công bố video, ghi lại toàn cảnh phòng thí nghiệm sinh hóa ở Douma
do nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan Jaish al-Islam xây dựng.
Dù chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy chính phủ
của ông Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công dân thường, tuy
nhiên một cuộc tấn công quân sự đã được liên quân Mỹ, Anh, Pháp phát động và
những hậu quả từ cuộc tấn công này đối với đất nước Syria đã được nhìn thấy rõ.
Nhân sự kiện này, hãy cùng nhìn lại những vụ tạo cớ gây
chiến tranh của Mỹ trong lịch sử.
1. Sự kiện tàu Mỹ Maine nổ tung ở vịnh Havana
Tối 15/2/1898, một vụ nổ đã xảy ra trên con tàu USS Maine của Mỹ ở cảng
Habana, khiến 260 người thiệt mạng. Có 2 giả thuyết về vụ nổ tàu này: Một là,
vụ nổ gây ra từ mìn bên ngoài làm phát nổ đạn dược trong tàu. Hai là, kho than
trong tàu bị cháy lan ra kho đạn. Tuy nhiên, người Mỹ lại khẳng khái cho rằng,
Tây Ban Nha là kẻ phá hoại. Chẳng cần đợi điều tra, giới truyền thông Mỹ đổ tội
tấn bi kịch vào Tây Ban Nha và gióng trống chuẩn bị chiến tranh.
Ngày 19/4, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết yêu cầu quân Tây Ban Nha rút
khỏi Cuba và trao cho Tổng thống William McKinley quyền sử dụng vũ lực. Ngày
23/4, Tổng thống McKinley động viên 125.000 lính tình nguyện chiến đấu chống lại
Tây Ban Nha. Đến giữa tháng 8/1898, Madrid thua trận, một hiệp định đình chiến
được ký giữa Tây Ban Nha và Mỹ, kết thúc cuộc xung đột ngắn và một chiều này.
Ngày 10/12 cùng năm, Hiệp ước Paris đã chính thức kết thúc chiến tranh Mỹ -
Tây Ban Nha. Đế quốc Tây Ban Nha từng một thời tự hào gần như tan rã khi bị Mỹ
chiếm nhiều thuộc địa ở nước ngoài. Puerto Rico và Guam đã được nhượng lại cho
Mỹ, Philippines đã được mua với giá 20 triệu USD, còn Cuba thì được Mỹ bảo trợ.
Phiến quân Philippines, những người đã chiến đấu chống lại chính quyền Tây
Ban Nha trong chiến tranh, đã ngay lập tức quay sang chống lại những kẻ chiếm
đóng mới. Số lính Mỹ chết trong khi đàn áp Philippines còn cao gấp 10 lần khi
đánh bại Tây Ban Nha.
2. “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”
Với chủ trương chặn “đà lây lan cộng sản”, vào tháng 7/1964, giới cầm
quyền Mỹ lo ngại nguy cơ về “sự lây lan phổ biến chủ nghĩa cộng sản” từ Bắc
Việt Nam ra khu vực châu Á, Mỹ đã phái các tàu chiến đến Vịnh Bắc Bộ để tuần
tra.
Ngày 2/8, khu trục hạm Maddox tiến hành do thám vô tuyến điện đã thông báo
rằng có 3 tàu ngư lôi của Bắc Việt Nam đang tiến lại gần. Sau đó, đụng độ đã
diễn ra, kết quả mà hai bên đều xác nhận, có một chiếc ca nô tuần duyên của
Việt Nam đã bị tấn công, còn khu trục hạm Mỹ thì chẳng hề xây xước thiệt hại
gì, và chính phủ Mỹ quyết định không phản ứng về vụ việc này.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày (4/8), Washington lại nhận được thông điệp về
một “cuộc tấn công mới” do tàu Bắc Việt Nam thực hiện chống các khu trục hạm
Mỹ. Khi đó, không ai trong số các thủy thủ của tàu khu trục xác nhận đã nhìn
thấy “kẻ tấn công”. Máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm cũng không phát hiện
thấy bất cứ con tàu hoặc mảnh vỡ nào trong khu vực mà khu trục hạm hiện diện.
Mặc dù chỉ là tưởng tượng song từ cái cớ nói trên, ngày 5/8/1964, Hải quân
Mỹ đã thực hiện Chiến dịch “Mũi tên xuyên” ném bom một số cửa biển quan trọng ở
miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh tàn phá trong suốt 9 năm liền bằng
không quân và hải quân quy mô lớn đối với toàn bộ miền Bắc Việt Nam.
Ngày 7/8/1964, Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (được biết
nhiều hơn với cái tên Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ) cho Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ
quốc gia nào trong khu vực này mà chính phủ nước đó được xem là bị đe dọa từ
"sự hiếu chiến của cộng sản". Nghị quyết đã trở thành công cụ cho
việc Mỹ leo thang chiến tranh tại miền Bắc và tiến hành chiến tranh hạn chế tại
miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tài liệu công bố năm 2003 mang tên “The Fog of War” (Màn
sương mờ Chiến tranh), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara đã thú
nhận, cuộc tấn công USS Maddox vào ngày 2/8 đã xảy ra mà không có phản ứng của
Bộ Quốc phòng, nhưng vụ tấn công ngày 4/8 thì không bao giờ xảy ra.
3. Chiến tranh Iraq
Ngày 5/2/2003, tại phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Ngoại
trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell đã giơ ra chiếc ống nghiệm chứa thứ mà ông gọi
là “vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq” với tuyên bố nổi tiếng: “Đó là vũ khí
hóa học của Saddam Hussein". Đó là cách tạo cớ cho Mỹ tấn công Iraq sau đó
một tháng.
Sau đó, Mỹ với sự ủng hộ của liên minh đã khởi đầu cuộc chiến tranh quy mô
lớn vào Iraq, hủy diệt quốc gia này và sản sinh ra những phần tử Hồi giáo cực
đoan; làm xuất hiện tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS); khiến ngọn lửa
chiến tranh cháy bùng lan rộng sang các nước khác trong khu vực như Libya,
Syria và tiếp theo là đến tận Đông Nam Á…
Thế nhưng, vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq vẫn không bao giờ tìm thấy,
chiếc ống nghiệm được các chuyên gia cho rằng chỉ là một lọ muối; còn hậu quả
của sự dối trá đã dẫn đến chiến tranh, gây ra bao nỗi đau khổ của hàng triệu
con người vô tội thì vẫn tiếp diễn.
Năm 2008, khi sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông G.Bush đã
thú nhận trên kênh truyền hình ABC (được tờ Guardian dẫn lại) rằng quyết định
tiến hành chiến tranh chống lại Saddam Hussein đã dựa trên tin tức tình báo sai
và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong đời làm tổng thống của ông. Bản thân cựu
Ngoại trưởng Colin Powell cũng từng thừa nhận đã bị CIA lừa để ông công bố
những bằng chứng không có thực ở LHQ.
Câu chuyện sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở
Syria chắc chắn sẽ chưa có hồi kết. Những cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, tuy
nhiên với nhiều người dù có hay không bằng chứng chính quyền của Tổng thống
Syria Bashar al-Assad có sử dụng vũ khí hóa
học để tấn công dân thường hay không thì một cuộc tấn công quân sự vào Syria đã
được Mỹ phát động. Âu thì “chuyện đã rồi”. Dù sao thì những người dân vô tội và
một đất nước có chủ quyền luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ mưu đồ
thôn tính của các cường quốc.
Tuệ Minh