 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ |
Phát biểu trước
Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước sau khi nhậm chức vào chiều ngày 26/7, Thủ tướng Chính
phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi một thông điệp rất mạnh
mẽ về đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội, phát triển nhân tài, bảo vệ chủ
quyền và xây dựng một Chính phủ liêm chính, phục vụ nhân dân.
Chiều ngày 26/7,
với 485/489 đại biểu có mặt đồng ý (tỉ lệ 98,18%), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội
khóa XIV bầu tái đắc cử người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Sau khi tuyên
thệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội,
đồng bào và cử tri cả nước.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Hiện nay nước ta đứng
thứ 14 trên thế giới về dân số, nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48, và
GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới. Phát
triển với tốc độ cao hơn là yêu cầu cấp bách để đối phó nguy cơ chưa giàu đã
già, khi giai đoạn dân số vàng sẽ chấm dứt trong khoảng 10 năm tới”.
Tiếp đó, khi nói tới những vấn đề khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt,
những yếu kém trong quản lý, điều hành đất nước của Chính phủ, Thủ tướng đã
thẳng thắn thừa nhận: “Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, xử lý nợ xấu chưa thực
chất, dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp”.
Do đó, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ phải nỗ lực tinh
giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết
kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài. Chúng ta
cần có trách nhiệm với từng đồng tiền
thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của
người dân và của toàn xã hội”.
Nói về vấn đề phát triển nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cho phát
triển đất nước, Thủ tướng đã trích lại lời của Nguyễn Trãi “Nước Đại Việt ta hào kiệt
không bao giờ thiếu”. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ngày nay,
nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không
thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng
tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước”. Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng
ta phải làm sao để con cháu của nông dân,
công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội
trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”.
Về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Thủ tướng đã trích dẫn lại lời của
Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thủ tướng khẳng định: “Chúng
ta phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ
quốc gia. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và kêu gọi các
bên tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp thêm tình hình”
Nói tới vấn đề xây dựng
một Chính phủ liêm chính, hành động, Thủ tướng nhấn mạnh rằng sẽ cùng với Chính
phủ “nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt,
phục vụ Nhân dân”.
Thủ tướng cũng cam kết, không để tái diễn câu
chuyện Formosa, không để cho các nhóm lợi ích thao túng, xây dựng một nhà nước
pháp quyền, thượng tôn pháp luật, một đất nước giàu mạnh, người dân có cuộc sống
ấm no hạnh phúc…
Có thể nói, bài phát biểu của Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nhậm chức đã cho thấy quyết tâm của Thủ tướng,
của người đứng đầu Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước Việt
Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước, phát triển kinh tế, xã hội. Đằng
sau bài phát biểu này là một sự ý thức rất rõ về tinh thần, trách nhiệm của
người đứng đầu Chính phủ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Những dấu ấn đầu tiên sau khi nhậm
chức Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được người dân cả
nước ghi nhận. Hy vọng rằng, với quyết tâm và tinh thần, trách nhiệm của mình,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng với Chính phủ khóa mới phát huy những thành
tựu, khắc phục những hạn chế, yếu kém để phát triển đất nước đúng với tiềm năng
và sự kỳ vọng của nhân dân.
Nhân dân cả nước đang chờ đợi và kỳ
vọng vào quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ nhiệm kỳ
2016 - 2021.
Nam Phong