 |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama |
Việt Nam
sẽ ngã theo Mỹ? Việt Nam sẽ “sánh đôi” với Mỹ để kiềm chế, chống lại Trung
Quốc? Chính sách ngoại giao của Việt Nam sẽ thay đổi…? Đó là những câu hỏi mà
không ít người đang đặt ra sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack
Obama.
Tuy nhiên,
với đường lối, chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam đã được nêu trong
Hiến pháp 2013 cũng như trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thì
có thể khẳng định rằng, những nhận định trên là hoàn toàn không có căn cứ, cơ
sở. Việc Việt Nam sẽ ngã theo Mỹ sau chuyến thăm của Tổng thống Obama là không
thể xảy ra.
Điều 12, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy
định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa
bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ
động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình
đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn,
đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích
quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và
tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Báo cáo chính trị của Ban
chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn
mạnh: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa,
đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.
Như vậy, có thể khẳng
định, đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, vì lợi ích
quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. Đường lối
đối ngoại trên xuất phát từ lịch sử dựng nước và giữ nước hơn 4000 năm của dân
tộc Việt Nam. Thực tế lịch sử Việt Nam đã khẳng định, chỉ có con đường độc lập,
tự chủ mới là con đường duy nhất giúp Việt Nam bảo đảm được độc lập, chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết được sức mạnh của cả dân tộc để xây
dựng một nước Việt Nam hòa bình, phát triển.
Cũng đã có rất nhiều lần
trong lịch sử Việt Nam đứng trước ngã rẽ là theo nước này hay nước khác, theo
nước này không theo nước khác. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng, với vị
trí địa chính trị của Việt Nam, với truyền thống và với lịch sử của dân tộc Việt
Nam, độc lập, tự chủ là đường lối đối ngoại không thể khác được.
Thực tế, chuyến thăm Việt
Nam của Tổng thống Obama đã mang lại rất nhiều tín hiệu tích cực trong phát
triển quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Việc Việt Nam duy trì và phát triển
quan hệ với Mỹ hay với bất cứ quốc gia nào khác cũng chính là sự thành công của
việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa
mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã đề ra.
 |
Tổng thống Obama được đông đảo người dân Việt Nam chào đón |
Với mục tiêu vì lợi ích
quốc gia, dân tộc có thể khẳng định, chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Obama thực tế đã mang lại được những lợi ích quan trọng
cho Việt Nam, đó là: Mỹ đã gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương
đối với Việt Nam; hợp đồng mua 100 máy bay Boeing của hãng hàng không Vietjet
với tập đoàn Boeing của Mỹ; Đại học Fulbright Việt Nam sẽ chính thức đi vào
hoạt động từ mùa thu năm nay...
Tất cả những điều này sẽ mang lại lợi
ích cho nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, hơn hết chuyến thăm Việt Nam của Tổng
thống Obama đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương và gửi đi
một thông điệp nhiều ý nghĩa về sự thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược giữa
hai nước trong tương lai. Điều đó khiến nhiều người hy vọng về một mối quan hệ
thực sự gần gũi, tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước, hy vọng về những
người bạn tốt trong tương lai.
Tổng thống
Obama đã để lại nhiều ấn tượng đối với các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam
sau chuyến thăm này bằng những phát biểu, cử chỉ, hành động gần gũi, chân
thành, cởi mở. Ông đã có bài phát biểu chạm vào trái tim mỗi người dân Việt
Nam, ông đã nói tiếng Việt (xin chào Việt Nam), thưởng thức ẩm thực của người
Việt Nam (ăn bún chả bình dân, uống bia Hà Nội), tìm hiểu văn hóa Việt Nam (đến
thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ, thăm chùa Ngọc Hoàng Thành phố Hồ Chí Minh), thăm
hỏi những người dân Việt Nam chào đón mình… Tất cả những điều đó cho thấy, ông
Obama rõ ràng đã chiếm được tình cảm của người dân Việt Nam, khiến người Việt
Nam hy vọng vào một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai.
Tuy nhiên,
nếu chỉ nhìn vào những thành công trong chuyến thăm Việt Nam của Obama để khẳng
định rằng, Việt Nam sẽ ngã theo Mỹ thì rõ ràng là chưa có căn cứ, cơ sở.
Nam Phong