Ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của HRW
Luôn tự khẳng định là tổ chức phi chính phủ độc lập, không lệ
thuộc vào bất cứ chính phủ nào và các báo cáo nhân quyền của mình là công tâm,
không vì mục đích chính trị. Tuy nhiên, với những gì đã và đang làm đã khiến
người ta phải nhìn về tổ chức “Theo dõi nhân quyền thế giới” (HRW) với một con
mắt khác.
Nói là đưa tin một cách “công tâm”, “độc lập”, phản ánh một
cách chân thực tình hình nhân quyền ở các quốc gia trên thế giới, nhưng với cách
đưa tin thiên lệch, có dụng ý nhằm vào các nước đang hướng theo các giá trị
trái ngược với ý thức hệ tư bản, các nước theo chủ nghĩa xã hội, và các nước
theo đạo Hồi...; đồng thời tâng bốc các giá trị "tự do, dân chủ" kiểu
Mỹ khiến nhiều người nghi ngờ về những gì mà HRW đã vẽ ra.
HRW tự phong cho mình “sứ mệnh” là "điều tra và đưa ra
ánh sáng các vi phạm nhân quyền và buộc những đối tượng vi phạm phải thừa nhận
trách nhiệm"; "báo cáo một cách công tâm về tình hình nhân quyền tại
khoảng 90 quốc gia". Tuy nhiên, hầu như tất cả những gì mà HRW đã làm là
tìm cách phản ánh một cách sai lệnh tình trạng nhân quyền ở những quốc gia mà
Mỹ gọi là “không ưa thích”.
Trong những
năm qua, HRW luôn "quan tâm" một cách đặc biệt đến Việt Nam, tìm cách
tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam qua báo cáo nhân quyền
thường niên, hoặc ra thông cáo báo chí, gửi thư tới lãnh đạo Nhà nước, Chính
phủ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức quốc tế. HRW còn tìm cách hậu thuẫn về
mặt tài chính, hỗ trợ về tinh thần cho các phần tử chống đối Nhà nước Việt Nam
bằng cách trao "Giải thưởng nhân quyền Hellman - Hammett" vắng mặt để
khích lệ các đối tượng chống đối trong nước gia tăng các hoạt động chống phá.
Mới
đây, hôm 20/11, tổ chức “Theo dõi Nhân quyền thế
giới” (HRW) lại vẽ ra một tuyên bố hết sức phi lý về vấn đề nhân quyền ở Việt
Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đài BBC dẫn lời đại diện của
tổ chức HRW cho biết, HRW nói: “Việt Nam đang sử dụng các
điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến và
bắt giữ những người phê bình chính quyền” (ám chỉ việc Nhà nước Việt
Nam bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia).
Càng
phi lý hơn khi HRW còn cho rằng, bất chấp những cam kết TPP, Việt Nam đang tăng
cường các biện pháp đàn áp những tiếng nói bất đồng với các điều luật hà khắc
mới được đề xuất (ám chỉ việc Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về việc sửa đổi
Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự). Đồng thời, kêu gọi Hoa Kỳ và các
quốc gia thành viên khác của Hiệp định TPP cần gây
sức ép để Việt Nam không thông qua các điều luật dự thảo “có nội dung gia tăng
các chế tài mang tính vi phạm nhân quyền để sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự
vốn đã hà khắc”.
Trong tuyên bố trên, HRW dẫn lời ông Brad
Adams, Giám đốc Châu Á của HRW nói rằng: "Chính
quyền Việt Nam đang quá lạm dụng các điều luật an ninh quốc gia vốn đã hà khắc,
để hình sự hóa các hành vi ngôn luận ôn hòa và đàn áp những người phê bình
chính quyền.”
Đồng thời xuyên tạc rằng: “Dường
như chính quyền Việt Nam ra vẻ thiện chí trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), còn bây giờ sau khi ký được thỏa thuận rồi thì
lại tiến hành các bước nhằm xiết chặt sự kiểm soát đối với những người chỉ
trích chính phủ.”
Đây rõ ràng là một tuyên bố phi lý và can thiệp vào công việc nội
bộ Việt Nam của tổ chức “Theo dõi nhân quyền thế giới” (HRW).
Phi lý ở chỗ, nó đã xuyên tạc một cách trắng trợn tình hình nhân
quyền ở Việt Nam. Ai cũng biết rằng, tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Trần
Đại Quang báo cáo trước Quốc hội về tình hình điều tra, xử lý các đối tượng và
vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Trong báo cáo của Bộ Công an, Bộ trưởng Trần
Đại Quang cho biết, trong gần 3 năm qua (từ tháng 6/2012
đến tháng 11/2015), ngành Công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ, 2.680
đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, cũng trong
khoảng thời gian này, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp
pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50
tỉnh, thành.
Tổ chức này, đã căn cứ vào báo cáo của Bộ
trưởng Trần Đại Quang cùng những số liệu trên để phác ra một cái tuyên bố hết sức
phi lý kia. Bất kỳ một quốc gia có chủ quyền nào
cũng đều xây dựng các đạo luật để bảo vệ đất nước, bảo vệ chính thể của họ. Bất
kỳ quốc gia có chủ quyền nào cũng đều sử dụng các biện pháp được pháp luật quy
định để bắt giữ, xử lý những phần tử phá hoại, chống phá đất nước. Thử hỏi, ở
Mỹ trong một năm họ bắt giữ bao nhiêu đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia của
Mỹ? HRW có biết điều đó.
Trong
tuyên bố trên, HRW còn tìm cách can thiệp vào quá trình xây dựng dự thảo Bộ
luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam khi cho rằng “Việt
Nam đang tăng cường các biện pháp đàn áp những tiếng nói bất đồng với các điều
luật hà khắc mới được đề xuất”. Đồng thời, kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia thành
viên khác của Hiệp định TPP cần gây sức ép để Việt
Nam không thông qua các điều luật dự thảo trên.
Như
vậy, có thể nói rằng việc tổ chức HRW ra tuyên bố phi lý trên không gì khác
ngoài mục đích cổ vũ, khích lệ, hậu thuẫn cho các đối tượng chống đối ở Việt
Nam, những đối tượng đã và đang bị Nhà nước Việt Nam điều tra, xử lý về các tội
xâm phạm an ninh quốc gia gia tăng các hoạt động chống phá. Lợi dụng vấn đề
“dân chủ”, “nhân quyền” để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, can thiệp vào công việc
nội bộ của Việt Nam.
Qua câu chuyện này, một lần nữa người ta lại hiểu rõ hơn về
bộ mặt thực sự của HRW. Đúng là như Bộ trưởng Ngoại giao Vê-nê-xu-ê-la đã nói
rằng, HRW là tổ chức đội lốt bảo vệ nhân quyền được Mỹ tài trợ nhằm thực hiện
chính sách tấn công các nước đang xây dựng các mô hình kinh tế kiểu mới.
Việt Nguyễn