Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đề cao vai trò của nhân
tài, tích cực tìm kiếm và trọng dụng nhân tài là một truyền thống tốt đẹp của
dân tộc Việt Nam. Năm 1484 và năm 1487, Thân Nhân Trung thừa lệnh nhà vua thảo
bài văn bia, trong đó nêu rõ quan điểm của nhà nước về hiền tài: “Hiền tài là
nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước càng mạnh và càng lớn lao,
nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi
đời xưa chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp
nguyên khí”.
Để phát triển quốc gia, vua Quang Trung rất chú trọng thu
dụng các nhân tài từng phục vụ nhà Lê. Ông ban "Chiếu cầu hiền",
trong đó có đoạn: "Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà
có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến. Hay Trẫm ít đức không đáng để phò
tá chăng? hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự?... Trẫm nơm nớp lo nghĩ,
một ngày hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn
- sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không
thể đảm đương". Nhờ đó, vua
Quang Trung đã thu hút được nhiều nhân tài từ khắp mọi miền góp sức phát triển
đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất
coi trọng việc trọng dụng nhân tài cho Đảng, cho đất nước. Ngay sau khi nước Việt
Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong,
giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước.
Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần
có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa
chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng
thêm nhiều”. Người cho rằng một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân
tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong
xây dựng và kiến thiết.
Người khẳng định phải biết chăm lo phát
hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân
tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài phải biết tuỳ tài mà dùng người:
“Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc
gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu
cán bộ”. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ,
đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu
rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách.
Trong Di chúc của Người để lại cho toàn
Đảng, toàn dân người căn dặn: Đảng và Nhà nước cần lựa chọn những người ưu tú
nhất trong bộ đội, thanh niên xung phong đào tạo họ thành những cán bộ, công
nhân kỹ thuật giỏi, những người vừa “hồng” vừa “chuyên”, đó là “đội quân chủ lực
trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Có lẽ, dân tộc Việt Nam sẽ mãi không thể
quên được câu chuyện về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp
làm người đứng đầu Quân đội Việt Nam. Thời điểm đó đã có nhiều nhà quân sự giỏi, trong đó có người
học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), nhưng Bác Hồ lại chọn ông Võ
Nguyên Giáp – một thầy giáo dạy sử, người không học trường quân sự nào làm
người đứng đầu quân đội Việt Nam. Chính cách nhìn người và biết trọng dụng người
tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà dân tộc ta đã sinh ra một vị Đại tướng huyền
thoại, một người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một người mãi mãi được
vinh danh trong hàng ngũ những danh tướng vĩ đại nhất của thế giới.
Cũng
với cách trọng dụng nhân tài đó của Người, từ các
nhà nho, nhân sĩ tài năng, uy tín trong xã hội như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ
Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố..., các vị quan chức cấp cao của triều đình nhà Nguyễn
như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe đến các trí thức tài giỏi như Luật
sư Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông,
Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch… đều đã “xuất
thân giúp nước” theo lời kêu gọi của Người.
Nhân
đây, nói về câu chuyện Bác Hồ mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Bộ Nội
vụ. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện lần thứ nhất, mời cụ Huỳnh
Thúc Kháng ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Gặp buổi xứ Huế trời mưa và
lạnh, cụ Huỳnh điện trả lời Bác Hồ: “Thời tiết xấu, tôi chưa đi được và không
thể nhận chức Bộ trưởng nhưng trước sau gì tôi cũng ra gặp Cụ”. Ít ngày sau,
Bác Hồ đánh bức điện thứ hai gửi cụ Huỳnh, đích thân Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên
Giáp ký tên với nội dung: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ
trưởng Bộ Nội vụ!”.
Chừng
ấy lời khẩn thiết, cụ Huỳnh quyết định ra Hà Nội, song từ chối nhận chức Bộ
trưởng Bộ Nội vụ, vì “lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết
cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ
nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.
Song
tại kỳ họp đầu tiên ngày 2/3/1946, Quốc hội họp để thông qua Danh sách Chính
phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đề nghị, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời
giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội
thông qua, lời giới thiệu của Bác Hồ về cụ Huỳnh vẫn chân tình một tấm lòng trọng
người tài của Người. Người nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức
danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”. Thế là
cụ Huỳnh Thúc Kháng vui vẻ nhận lời và dành mọi tâm huyết đối với đất nước và
dân tộc.
Có thể nói, tư tưởng về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ
Chí Minh là tài sản vô giá đối với Đảng ta trong việc lựa chọn những người
hiền, tài để phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Hơn lúc
nào hết, chỉ có lựa chọn được những cán bộ hết
lòng vì dân, vì nước, những cán bộ có tầm nhìn chiến lược, có đạo đức trong
sáng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của
toàn Đảng, toàn dân tộc mới có thể đưa sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vượt
qua khó khăn, thử thách, đạt những thành tựu mới. Đó là một nhiệm vụ
hết sức lớn lao đối với Đảng ta hiện nay.
Việt Nguyễn
Trong tư tưởng của Người nhân tài là nguyên khí của quốc gia, một quốc gia muốn phát triển cần phải có nhân tài, mà nhân tài theo Người là phải đủ cả đức và tài. Với những nhận thức như vậy về nhân tài mà trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người đã chiêu mộ, sử dụng và đào tạo biết bao những con người kiệt suất góp phần lớn lao trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước.
Trả lờiXóaTài của người cán bộ là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình
Trả lờiXóa