Cảnh "hỗn chiến" ở Lễ hội Đền Gióng
Không phải
đến bây giờ người ta mới nói nhiều đến lễ hội và việc tổ chức lễ hội. Lễ hội ở Việt Nam chính là lễ hội
truyền thống, nằm rất sâu trong lối sống và nhịp sống của cư dân vốn sinh hoạt
ngàn đời bằng văn hoá nông nghiệp. Tổ chức lễ hội là dịp để con cháu tưởng nhớ
công đức của các bậc thánh nhân, những người có công với đất nước, là nơi sinh
hoạt văn hoá dân gian truyền thống trong đời sống tình cảm của mỗi con người. Mỗi
khi hội làng, tổ chức lễ hội là lúc để cả làng: già trẻ lớn bé, ai cũng đều
tham gia hội hè, náo nức, tấp nập, ra sức rủ nhau đi trảy hội. Có những lễ hội
không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, xã, huyện, tỉnh mà mang tầm cỡ quốc gia,
thu hút hàng vạn, hàng triệu du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc tới trảy hội. Có
thể nói lễ hội đã thành nhu cầu sống còn, cấp thiết, là nhu cầu không thể thiếu
đối với người nông dân Việt xưa và nay.
Tuy nhiên, tổ chức lễ hội thế nào cho hợp lý, cho đỡ tốn kém, vừa giữ được
giá trị truyền thống vừa có giá trị thúc đẩy cho sự phát triển lại là vấn đề đặt
ra đối với các cơ quan chức năng, những người làm công tác quản lý. Trong thời
buổi hiện nay, khi kinh tế thị trường xâm nhập và ngày càng phát triển, cùng với
đó là sự xuống cấp về đạo đức ở một bộ phận dân chúng khiến cho nhiều lễ hội
xưa bị mai một, thậm chí bị làm biến tướng, trở thành nơi để không ít người tư
lợi riêng cho bản thân.
Những ngày qua, dư luận cả nước, những người có trách nhiệm, những người
nghiên cứu văn hoá rất bức xúc trước việc lễ hội đền Gióng ở huyện Sóc Sơn, Hà
Nội, từ một lễ hội dân gian truyền thống đã bị một số kẻ biến thành một cuộc
chiến kinh hoàng với gậy gộc, gạch đá, ẩu đả nhau để cướp hoa tre, không ít kẻ
đã lợi dụng tục cướp hoa tre để trả thù cá nhân, gay phản cảm cho du khách tham
gia lễ hội trong và ngoài nước. Từ một lễ hội truyền thống với tục cướp hoa tre nó đã bị biến tướng trở thành màn ẩu đả,
với gậy gốc tấn công nhau khiến nhiều người kinh hãi.
Theo truyền thuyết, xưa kia Gióng đánh giặc, khi gãy
roi sắt, ông đã nhổ gốc tre ngà quất vào quân thù, quất tới mức mà tre tơi tả.
Bây giờ người dân tái hiện lại sự kiện đó qua việc cướp hoa tre. Tục cướp hoa
tre có 2 lớp ý nghĩa. Lớp nghĩa thứ nhất, hoa tre biểu tượng cho vũ khí của
thánh Gióng. Ai cướp được hoa tre thì năm đó may mắn. Lớp nghĩa thứ 2, đối
với các cặp vợ chồng trẻ thì họ còn giành hoa tre để có thể đẻ con trai mạnh
khỏe, tài giỏi.
Sau lễ rước, ban tổ chức sẽ tung hoa tre ra để người
dân giành nhau. Hoa tre thì ít, người nào cố gắng cướp được hoa tre là phước
của họ trong năm đó. Đó phong tục, là cái vui của lễ hội, là niềm tin của tín
ngưỡng. Điều đó không chỉ làm mất đi cái nét đẹp văn hoá truyền thống mà còn
làm xấu đi hình ảnh vốn có của một lễ hội dân gian, một sinh hoạt tín ngưỡng
lâu đời.
Theo
báo cáo chính thức của Bộ Y tế, từ ngày 15 đến 22-2 (27 tháng chạp đến mùng 4 tết)
trên cả nước đã có trên 6.200 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó có 15
người tử vong. Đó thực sự là một con số đáng báo động và khiến không ít người
phải sững sờ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bia, rượu, do tính tự
cao, tự đại, sĩ diện thái quá và những thù hận cá nhân. Một con số đáng báo động
vì sự xuống cấp trong đạo đức xã hội ở một bộ phận dân chúng.
Với
một đất nước có gần 9000 lễ hội trong một năm, trong đó có rất nhiều lễ hội
truyền thống đã có từ lâu đời thì việc gìn giữ các lễ hội là yêu cầu hết sức
quan trọng. Vấn đề tổ chức lễ hội cũng phải hết sức được chú ý. Nhìn cảnh người
dân chèo lên mái nhá, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau “cướp” ấn Đền Trần để cầu may mà
thấy đắng lòng. Còn đó những câu chuyện nhét tiền vào tay, vào mắt, thậm chí
vào mồm các tượng Phật ở nơi cửa Phật, chuyện cúng thay, xin hộ ở những nơi
linh thiêng mà thấy buồn lòng. Rồi chuyện hàng trăm thanh niên ở Vĩnh Phúc xông
vào cướp một chiếc chiếu cói để mong đẻ được con trai… Từ những giá trị, nét đẹp
văn hoá truyền thống vô hình chung nó đã bị một số người làm cho “thương mại
hoá”, làm biến tướng đi.
Thiết
nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, Ban tổ chức lễ
hội phải vào cuộc quyết liệt để chấm dứt tình trạng này, trả lại nét đẹp vốn có
cho các lễ hội truyền thống và những người tham gia lễ hội. Trong đó vấn đề ý
thức của người tham gia lễ hội cần phải được đặc biệt quan tâm. Phải tăng cường,
chủ động trong tuyên truyền để người tham gia lễ hội biết và tuân thủ các quy định
của lễ hội, tránh tâm lý đám đông. Mặt khác cần tăng cường đảm bảo an ninh cho
các lễ hội, kịp thời ngăn chặn những người, các hành vi gây mất trật tự nơi lễ
hội để xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, người dân cũng phải tự ý thức được
mình, biết tìm hiểu về ý nghĩa của các lễ hội, nêu cao ý thức khi tham gia lễ hội.
Có như vậy, lễ hội mới trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tinh thần lành mạnh
của nhân dân.
Việt Nguyễn
Trong một lễ hội thì luôn tồn tại hai phần đó là phần lễ và phần hội. Sau khi những thủ tục liên quan tới phần lễ hoàn thành những người tham gia lễ hội sẽ mong muốn làm sao cho những mong cuốn, cầu mong của mình thành hiện thực. Và nhiều người quá khích biến phần hội trở thành những sự cố đáng tiếc.
Trả lờiXóa