Người Thủ
Thư
Đã từ lâu, cứ vào dịp đầu xuân mới
là nhiều người (hầu hết trong giới học giả) lại tiến hành việc khai bút. Việc
khai bút đã trở thành một tập tục của người Việt Nam. Tục khai bút trước đây
thường do các ông đồ, thầy đồ, học sĩ, ngày nay có học sinh, giới văn sĩ, thi
sĩ, người làm nghề viết. Thường thì sau giao thừa, mọi người sẽ chọn một giờ tốt
để làm lễ khai bút. Đối với những danh sĩ thì đôi khi khai bút bằng cách làm một
bài thơ đầu xuân bày tỏ nguyện vọng hoặc ý chí của mình. Những bài thơ khai bút
này được viết lên giấy hồng điều (giấy màu đỏ) hoặc trên giấy hoa tiên (giấy có
vẽ hoa) rồi dán bài thơ lên tường để thưởng xuân.
Đây cũng chỉ là một lễ tượng
trưng, gọi là để bắt đầu sự nghiệp, sự học, sự viết cho một năm mới. Vì vậy, có
người chỉ viết lên ngày, tháng đánh dấu việc khai bút, nhưng cũng có người sáng
tác cả một tác phẩm đầu năm cho lúc khởi đầu này. Cũng có người viết lên những
mong muốn cho một năm mới nhiều thuận lợi, học hành được tiến bộ và tương lai
nghề nghiệp rộng mở. Những ông đồ hay Nho sĩ khai bút thường viết câu đối hoặc
một chữ đẹp để treo trong nhà.
Trong văn hóa của người Việt, mọi
người quan niệm rằng, ngày đầu tiên của năm là ngày quan trọng cho một khởi đầu
mới. Những ngày đầu tiên của năm, nếu mọi việc suôn sẻ, ai nấy vui vẻ thì cả
năm sẽ luôn được may mắn.Trong khoảng thời gian đó, mọi người thường tranh thủ
làm nhiều việc lấy may cho năm, trong đó, tục chắp bút (hay khai bút) đầu năm
luôn luôn được nhân dân ta để ý, nhắc nhở nhau thực hiện, mong cho một năm mới
phát tài. Có lẽ cũng chính vì cái lẽ ấy mà người ta cũng thực hành muôn kiểu
khai bút sao cho phù hợp với tâm trạng và sở trường của mình. Bài khai bút có
thể là một vài lời tâm nguyện dành cho năm mới. Sau này, nội dung bài khai bút
được biến hóa phong phú hơn tùy theo hoàn cảnh, sở thích, và thông điệp mà mỗi
cá nhân muốn truyền tải cho bạn bè, đồng nghiệp, hoặc hội đoàn của mình. Bài
khai bút sau đó được đặt ở một nơi trang trọng. Có khi là mở đầu một cuốn sổ nhật
ký hoặc một án thư. Khi bài khai bút là những câu đối thì sẽ được treo trang trọng
trong thư phòng hoặc phòng khách...
Ngoài tục khai bút đầu xuân, người
Việt còn có phong tục khác đó là xin chữ đầu năm. Mỗi người đều chọn cho mình một
“ngày lành tháng tốt” để xin chữ, cầu mong cho mình và người thân đạt được ước
nguyện như tinh thần của chữ ấy. Ngày xưa, người ta thường xin chữ từ các thầy
đồ già. Hiện nay, tục xin chữ vẫn còn lưu giữ nhưng không còn giữ được nguyên vẹn
như xưa. Cũng có thời kỳ người ta lại không chuộng việc xin chữ. Chẳng thế mà
có nhà thơ đã viết lên bài thơ “Ông đồ”:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi baỵ
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Khi bắt
đầu viết chữ, các thầy đồ Nho học, Hán học, và Quốc Ngữ học thả hồn theo nét
bút mà tặng lại cho người xin chữ cái tâm tế của mình đã được gửi qua nét chữ
và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin. Có người cho rằng việc trao
đổi này tựa bán chữ. Nhưng không phải thế! Không có ai bán chữ, mà chỉ có người
mua giấy để xin chữ. Đó là cách tặng lộc qua nét chữ một cách rất tinh tế và
khéo léo của người Việt trong những ngày đầu xuân.
Có thể
nói rằng, tập tục xin chữ đầu năm đã là một nét văn hóa của người Việt và hiện
nay vẫn đang được duy trì, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi
độ xuân về Tết đến. Tại Hà Nội, việc này diễn ra ở nhiều nơi nhưng đông nhất vẫn
là trước sân Văn Miếu Quốc Tử Giám, khoảng hè phố đường Bà Triệu, đoạn giao cắt
với đường Trần Hưng Đạo…
Xin chữ là một nét đẹp văn hóa của
người Việt. Mỗi một chữ đều có ý nghĩa về đạo đức và đời sống đối với những con
người cụ thể. Khi được viết lên bởi cái tâm và được đón nhận bởi cái tâm thì sẽ
giá trị hơn nhiều những lời nói sáo rỗng.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét