Người Thủ Thư
Năm 2015 đã đến, nhân dân Việt Nam
trên khắp mọi miền của Tổ quốc lại tiếp tục bắt tay vào công cuộc xây dựng và
phát triển đất nước. Với những thành tựu đã đạt được của năm 2014 sẽ là tiền đề
quan trọng để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Một trong những yếu tố góp
phần vào những thành công chung của đất nước đó là biết phát huy sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc.
Ðại đoàn kết toàn dân tộc là truyền
thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ
nước. Từ khi ra đời, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và
mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là sợi chỉ đỏ
xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính tư tưởng
đoàn kết, tinh thần yêu nước nồng nàn, đã tạo sức mạnh to lớn để ông cha ta chiến
thắng “thù trong, giặc ngoài”, bảo vệ vững chắc bờ cõi, non sông, giữ vững sự
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng,
sánh vai cùng các cường quốc, năm châu. Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến
lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định thành bại của cách mạng, bộ phận hữu cơ,
tư tưởng xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Ðảng, phù hợp với đòi hỏi
khách quan của quần chúng nhân dân. Ngay sau khi ra đời, ngày 18-11-1930, Đảng
ta đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam nhằm tập hợp rộng
rãi các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tầng lớp xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp
toàn dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu, con đường đã chọn.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng
lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp
đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến cứu nước,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, sức
mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở
thành động lực của công cuộc đổi mới
CNH, HÐH đất nước. Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là
bài học lớn của cách mạng nước ta.
Trong dự thảo Văn kiện Ðại hội XI
của Ðảng đã nêu rõ “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về phát huy sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt
Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá
khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích
chung của dân tộc. Ðề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan
dung để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận
xã hội”.
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng
minh rất rõ ràng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh ấy sẽ đánh bại
mọi kẻ thù hung hãn nhất; đồng thời cũng chính sức mạnh ấy đã đóng góp rất lớn
vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, dù ở thời nào, muốn bảo
vệ, xây dựng và phát triển đất nước cũng phải biết phát huy được sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc, như ông cha ta xưa đã nói: một cây làm chẳng nên non, ba
cây chụm lại nên hòn núi cao.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng việc động viên và phát
huy khối đại đoàn kết dân tộc luôn phải gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và
giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận
cần chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Trước yêu cầu đổi
mới, chỉ có mở rộng dân chủ XHCN mới có
đoàn kết thật sự và bền vững.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc của quân và dân ta được tiến hành trong bối cảnh tình hình quốc tế,
khu vực có nhiều biến động phức tạp, tiềm ẩn bất trắc, khó lường. Đối với nước
ta, các thế lực thù địch không ngừng chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa
bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chia rẽ mối
đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xã hội. Trước tình hình đó, một trong
những yêu cầu quan trọng là phải tăng cường phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, phải lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc
lập, thống nhất, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cao nhất của
đất nước; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh” làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với
lợi ích chung; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan
dung,... để tập hợp, đoàn kết sức mạnh toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Đoàn
kết chính là sức mạnh của dân tộc, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ðoàn kết,
đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.