Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn
Chiều ngày
19-11, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo, giải trình một
số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, đồng
thời trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong các câu hỏi được đại biểu quốc hội đặt ra, đại biểu Thích Thanh Quyết nêu câu hỏi:… Xin Thủ tướng cho biết quan điểm của Đảng và
Nhà nước về biển Đông và Trung Quốc bằng cách nói ngắn gọn nhất, dễ nghe, dễ hiểu,
súc tích đầy đủ nhất?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Đối với Trung Quốc cũng
như tất cả các nước trên thế giới, chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại
kiên trì nhất quán. Hiến pháp năm 2013 đã quy định, đường lối đối ngoại là
đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương
hóa, đa dạng hóa quan hệ… trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng
cùng có lợi, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc. Ta đối với Trung Quốc dù mưa,
nắng hay bão lũ thì mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn chân
thành, hợp tác, gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện thực
chất hiệu quả phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt để đem lại lợi ích cho cả hai
bên. Chúng ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết bất đồng giữa
hai nước về biên giới biển đảo theo Công ước Liên hợp quốc và Luật Biển năm
1982.
Nói ngắn gọn, đầy đủ về quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc
sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, Thủ tướng nhấn
mạnh 6 chữ: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
“Chúng ta “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, không chỉ với Trung
Quốc mà các nước để có hòa bình, ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; để
cùng có lợi, cùng thịnh vượng; để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng và lợi
ích chính đáng của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng trên cơ sở đường lối đối
ngoại, nhất quán”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Quan điểm “vừa hợp tác vừa đấu tranh” đã được khẳng định
trong Nghị quyết của Đảng. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã
xác định rõ mục tiêu, phương châm, quan điểm chỉ đạo và nội dung,
giải pháp để thực hiện; trong đó, việc xác định đối tác,
đối tượng được đặc biệt coi trọng. Theo đó, Đảng ta đã xác
định “Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những
ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác
bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm
mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) cũng khẳng định tính
hai mặt tồn tại, đan xen một cách phổ biến trong “mỗi đối tác” và
“mỗi đối tượng”. Nói cách khác, trong mặt đối tác có đối tượng, trong đối
tượng có mặt đối tác. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn biện
chứng khoa học để trong từng thời điểm cụ thể nhận biết rõ đâu là
đối tác để tranh thủ hợp tác và đâu là đối tượng để đấu tranh. Nhờ
vậy, tranh thủ khai thác, phát huy được các mặt tích cực của các đối
tác để phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế được những mặt tiêu
cực của đối tượng, góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị, trật tự,
an toàn xã hội, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc.
Như vậy, “vừa hợp tác vừa
đối tranh” hay “đối tác và đối tượng” chính là chủ trương nhất quán của Đảng và
Nhà nước ta trong quan hệ quốc tế. Chúng ta hợp tác để phát triển kinh tế, để duy
trì môi trường hoà bình, ổn định nhưng chúng ta kiên quyết đấu tranh để bảo vệ
độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia của
Tổ quốc.
Nam Phong
Vừa hợp tác, vừa đấu tranh quả là một quan điểm sáng suốt. Cũng giống như việc chúng ta hội nhập mà không mất đi bản sắc dân tộc, vẫn giữ được độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của dân tộc. Rất ủng hộ quan điểm này của Thủ Tướng!
Trả lờiXóa