Chính sách của Tập Cận Bình trước sau gì cũng sẽ bị vạch mặt
Có lẽ không ít người sẽ ngạc nhiên
và đặt ra câu hỏi, tại sao, căn cứ vào đâu mà tác giả bài viết lại khẳng định
như vậy? Có thể nói, dựa vào chính sách cũng như những hành động của chính
quyền Tập Cận Bình đang sử dụng với các quốc gia khác cũng như chính nhân dân
nước mình nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở. Từ bao đời nay, như đã thành
quy luật hễ khi nào xã hội Trung Quốc “có vấn đề” thì ngay lập tức họ lại hướng
chiến tranh, hướng mâu thuẫn ra bên ngoài để đánh lạc hướng dự luận và sự chú ý
ở trong nước.
Trước đây, khi công cuộc “Đại nhảy
vọt” do Mao Trạch Đông khởi xướng thất bại, hậu quả đi kèm là một cuộc đại thảm
hoạ đối với nền kinh tế Trung Quốc (nhiều người còn gọi đó là một cuộc “Đại
nhảy lùi”) khiến Chủ tịch Mao Trạch Đông phải tự rời bỏ chức vụ vào năm 1959.
Trong những cuối của thập niên 60, Trung Quốc tiếp tục phát động cuộc “Cách
mạng văn hoá”, kéo theo đó là một giai đoạn hỗn loạn xã hội và
tình trạng vô chính phủ ở Trung Quốc diễn
ra trong 10 năm từ năm 1966-1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt
của cuộc sống chính trị, văn hoá, xã hội ở Trung Quốc. Đánh giá về cuộc “cách mạng”
này, Đặng Tiểu Bình đã nhận định như sau: "Cách Mạng Văn Hóa là một sai lầm.
Chúng ta phải mạnh dạn chối bỏ sai lầm này của Mao trong những năm tháng cuối đời
của ông. Nhưng cũng cần nhìn vào sự thật. Sự thật là không phải mọi sai lầm và
quá đáng trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa đều do Mao". Sau thất bại
của cuộc “Đại nhảy vọt” cũng như “Cách mạng văn hoá”, chính quyền Trung Quốc bị
dân chúng chỉ trích nghiêm trọng, nhân dân bắt đầu hoài nghi và mất niềm tin
vào vai trò lãnh đạo của những người đứng đầu nhà nước. Như một lẽ thường, để
đánh lạc hướng dư luận trong nước, đồng thời lôi kéo sự đồng tình, ủng hộ của
dân chúng với Chính phủ, những người lãnh đạo Trung Quốc lại tìm cách đẩy mâu
thuẫn ra bên ngoài bằng cách gây chiến tranh với các quốc gia láng giềng, và
Liên Xô chính là đích ngắm của họ.
Gần đây, khi xã hội Trung Quốc đang chứa đựng nhiều yếu tố bất
ổn cả về chính trị và kinh tế, đe doạ đến sự tồn tại của nhà nước thì Trung Quốc
lại quay trở lại với quy luật vốn có của mình. Trước khi Trung Quốc bước vào cuộc
chuyển giao quyền lực, chuyển giao thế hệ lãnh đạo (trước Đại hội Đảng khoá
XVIII), Thủ tướng Ôn Gia Bảo liên tục kêu gọi cải cách chính trị, các cuộc đấu
đá quyền lực liên tiếp nổ ra (có người cho rằng trường hợp của Bạc Hy Lai cũng
là một nạn nhân của cuộc đấu đá quyền lực đó), cùng với đó là những bất ổn liên
tiếp tại Tân Cương, Đài Loan, Hồng Kông… Điều đó ngay lập tức đe doạ đến sự cầm
quyền của những nhà lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời tác động đến chính nhân dân
Trung Quốc, khiến niềm tin của họ đối với Chính phủ giảm sút nghiêm trọng và
ngay lập tức họ lại hướng mâu thuẫn ra bên ngoài bằng cách đẩy mạnh các hành động
gây hấn, gây căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông với các quốc gia láng
giềng để phát đi một thông điệp rằng đất nước đang bị “kẻ thù bên ngoài” nhòm
ngó, chủ quyền quốc gia đang bị đe doạ nhằm đánh lạc hướng dư luận, đồng thời
lôi kéo sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân với chính sách đối ngoại, đối nội của
Chính phủ.
Như một lẽ ở đời, người dân Trung Quốc vô hình chung trở
thành nạn nhân trong việc thực hiện chính sách của những nhà lãnh đạo. Họ bị
chính những người lãnh đạo của mình lừa dối bằng các thủ đoạn “tâm lý”. Khi một
chính quyền mà những người lãnh đạo sử dụng các thủ đoạn để lừa dối chính nhân
dân của mình thì chính quyền đó sẽ như thế nào? Câu trả lời đã là quá rõ.
Nam Phong
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét