Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận về vụ ông Trần Văn Truyền
Kinh nghiệm của
nhiều quốc gia cho thấy muốn chống tham nhũng có hiệu quả đòi hỏi phải xây dựng
được một quyết tâm chống tham nhũng thực sự mạnh mẽ trong Đảng, Chính phủ. Chống
tham nhũng phải bắt đầu từ trên xuống dưới. Muốn trị tận gốc hiện tượng tham
nhũng, cần phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp trên, từ các cơ quan, các tổ chức có
quyền hoạch định, thực thi và kiểm soát chính sách, có quyền điều phối nguồn
lực và tài chính, vì rằng, đó chính là các cơ quan và cá nhân đại diện cho
quyền lực của Đảng và Nhà nước, là khâu gần với các hành vi tham nhũng hơn cả.
Một khi các cơ
quan công quyền và đội ngũ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và Chính phủ đều
trong sạch thì khả năng xảy ra tham nhũng càng ít. Mặt khác, nếu xử lý kịp thời
và nghiêm minh hành vi tham nhũng của cán bộ lãnh đạo cấp cao thì các vụ án
tham nhũng sẽ được diệt trừ tận gốc. Chống tham nhũng không thể có hiệu quả khi
những người cầm quyền thiếu kiên quyết hoặc nửa vời trong việc chỉ đạo đấu
tranh chống tham nhũng. Vì vậy, điều trước tiên để chống tham nhũng có hiệu
quả, đòi hỏi một quyết tâm thực sự bài trừ và phòng ngừa tham nhũng của Chính
phủ, của những nhà lãnh đạo cao nhất. Điều này đòi hỏi bản thân các nhà lãnh
đạo phải nêu một tấm gương về sự mẫu mực, tận tụy, kiên định và trong sạch
trong quá trình lãnh đạo, bởi đó sẽ trở thành gốc rễ để loại trừ tình trạng hối
lộ và bảo trợ về mặt chính trị cho tham nhũng.
Chẳng hạn như ở
Xinh-ga-po, Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm chính trị rõ ràng trong đấu
tranh chống tham nhũng, kiên quyết xử lý những người vi phạm, bất kể họ ở cương
vị nào, ngay cả đối với người thân cận hay đã từng có cống hiến cho đất nước.
Nguyên Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Quang Diệu đã từng khẳng định, lãnh đạo tối cao
của Chính phủ phải làm gương, không ai được vượt quá luật pháp, nếu không mọi
người sẽ cảm thấy hoài nghi và cười nhạo đối với ý nghĩa và sự công bằng của
luật pháp. Chính nhờ quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng này, mà nhiều năm nay,
Xinh-ga-po luôn là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới.
Thời gian vừa
qua, quyết tâm chống tham nhũng đã được Đảng, Chính phủ Việt Nam thể hiện rất
rõ trong Nghị quyết của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI về “Tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”
đã thể hiện rất rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị
quyết nêu rõ: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là
nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vừa
qua, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã vừa có thông cáo báo chí về kết
luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối
với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư
Ban cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo thông cáo báo chí này,
với những vụ việc liên quan đến nhà đất cụ thể, ông Trần Văn Truyền đã có
khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và tổ chức đảng, sẽ bị kiểm
điểm, xử lý.
Việc Uỷ ban Trung
ương công khai trước báo chí kết luận kiểm tra đối với ông Trần Văn Truyền, một
cán bộ từng từng ở vị trí cấp cao, phụ trách một lĩnh vực rất trọng yếu đã thể
hiện rất rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đồng thời đó cũng
là minh chứng rõ nhất cho cam kết không có vùng cấm trong công tác phòng chống
tham nhũng, xử lý nghiêm bất cứ ai, dù đương chức hay đã nghỉ hưu. Việc làm
trên ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo dư luận, quần
chúng nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham
nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, công tác phòng, chống tham
nhũng đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với sự vào cuộc của cả
hệ thống chính trị. Dư luận, quần chúng nhân dân đang rất trông đợi vào quyết
tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Có quyết tâm cao thì mới chống được
tham nhũng, chống được tham nhũng thì đất nước mới phát triển.
Nam Phong