Thập đạo tướng quân Lê Hoàn
Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ
quân, thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước
phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, mở đầu nền độc lập tự chủ của nước
ta. Tuy nhiên, do “không biết phòng xa”, nên Đinh Tiên Hoàng chỉ làm vua được
12 năm thì bị Đỗ Thích sát hại. Ấu chúa Đinh Toàn (Tuệ) nối ngôi khi mới 6
tuổi. Vương triều nhà Đinh chưa có thời gian củng cố thì bên trong nội loạn
diễn ra, bên ngoài thì Trung Quốc đang rắp tâm thôn tính. Nền độc lập non trẻ
của nước nhà lâm vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Thế nhưng ở trong nước, một số
công thần trung thành với nhà Đinh như: Nguyễn Bặc (chức vụ như tể tướng) cùng
các đại thần khai quốc nắm trong tay nhiều binh lực như Ngoại giáp Đinh Điền,
Vệ úy Phạm Hạp âm mưu tạo phản.
Lúc này, nhà Tống căn bản đã dẹp
xong các thế lực cát cứ, tái thống nhất Trung Quốc. Nhân lúc nhà Đinh đang gặp
khó khăn, Hầu Nhân Bảo đang trấn thủ Ung Châu dâng lên vua Tống “Đắc Giao Châu
sách” (kế sách lấy Giao Châu), kiến nghị đây là thời cơ tốt nhất để đánh chiếm Đại
Cồ Việt và xin được về triều tâu bày trực tiếp. Vua Tống định triệu Hầu Nhân
Bảo về, nhưng Tể tướng Lư Đa Tốn thâm độc hơn, cho rằng nước ta đang có nội
loạn, nên phải bất ngờ đem quân sang đánh úp “như sét đánh không kịp bịt tai”
và đề nghị không nên triệu Hầu Nhân Bảo về, vì như thế tin tức sẽ bị lộ. Tống
Thái Tông y lời, cử Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn
Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn…
đem đại quân hội từ bốn hướng chia hai đường thủy bộ “hẹn cùng sang xâm lược”.
Ở phía Nam, phò mã Ngô Nhật Khánh
(con rể Đinh Tiên Hoàng) làm phản, dẫn quân Chiêm Thành với hơn 1000 thuyền
chiến do đích thân vua Chiêm cầm đầu theo đường biển tiến thẳng vào kinh đô Hoa
Lư, rắp tâm xâm chiếm nước ta, may mà đội quân này chưa tới nơi đã bị bão dìm
chết, chỉ còn vua Chiêm sống sót.
Trong tình thế hiểm nghèo như thế,
dưới sự hậu thuẫn của thái hậu Dương Vân Nga cũng như sự ủng hộ lớn từ các
tướng quân khác, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn nhiếp chính. Lê Hoàn một mặt nhanh
chóng dẹp yên nội loạn, một mặt ráo riết chuẩn bị đối phó với quân xâm lược.
Vừa lên ngôi, Lê Hoàn
đã phải ra trận. “Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông
Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ
nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của
Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng, bắt được tướng giặc là
Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Chiến thắng lịch sử đó, cùng với
những nỗ lực củng cố quốc lực của Lê Hoàn, đã giúp cho đất nước giữ được nền
hòa bình gần 100 năm.
Điều làm nên tầm vóc của Lê Hoàn
cũng như việc giữ vững nền hoà bình cho đất nước chính là tài thao lược, đặc biệt
là tài ngoại giao quốc phòng của Lê Hoàn. Một chính sách ngoại giao linh hoạt,
mềm dẻo nhưng cũng hết sức kiên quyết, cứng rắn. Sau khi thắng quân Tống, mặc
dù biết rõ Chiêm Thành vẫn nuôi ảo mộng xâm chiếm nước ta nhưng Lê Hoàn vẫn tỏ
ra hòa hiếu bằng cách cử sứ giả sang Chiêm. Do vua Chiêm bắt giữ sử giả với ý đồ
gây chiến, ông tức giận sai đóng chiến thuyền, sửa sang binh khí, rồi thân chinh
đi đánh Chiêm Thành, giết chết vua Chiêm, sang phẳng thành trì, đúng 1 năm mới
kéo quân về nước. Từ đó Chiêm Thành mới không quấy nhiễu nữa.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa các hoạt
động do thám nhằm xâm lược nước ta của nhà Tống, Lê Hoàn khéo léo đề nghị: “Sau
này nếu có quốc thư thì nên giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiền sứ thần
đến đây nữa”. Sau đó, “Cảo về tâu, vua Tống bằng lòng”. Năm 997, nhân khi vua
Tống băng hà và việc nhà Tống phong cho Lê Hoàn làm Nam Bình Vương, vua Lê Hoàn
sai sứ sang Tống đáp lễ, trước hành động đó của Lê Hoàn, vua Tống đã “ban chiếu
thư khen ngợi”. Chính nhờ phong cách ứng xử biết người, biết mình của Lê Hoàn
mà nhà Tống đã thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng có lợi cho nước ta. Đó
là, nếu trước kia sứ Tống thường mượn cớ để yêu cầu nước ta cống nạp thì khi
Tống Chân Tông lên ngôi, biết hành động đáp lễ của Lê Đại Hành như vậy, nên mỗi
khi có quốc thư, hay ban chiếu đối với Đại Cồ Việt, nhà Tống “chỉ sai quan giữ
biên giới đến nhận mệnh, không sai người sang sứ nữa”.
Đây là các hoạt động đấu tranh ngoại
giao quốc phòng thời Tiền Lê thông qua quy định, luật lệ và được thực hiện bằng
nhiều hình thức, biện pháp phong phú với thái độ mềm mỏng mà không yếu ớt đã
làm đối phương phải tôn trọng, hợp tác với ta, nhờ đó ngăn chặn được các hành
động phá hoại giữ yên bờ cõi.
Nam Phong