Tử Trầm Sơn
Sức khỏe và trí tuệ là vốn quý nhất của mỗi con người và của
toàn xã hội. Có sức khỏe là cơ sở quan trọng để con người có thực hiện ước mơ;
không có sức khỏe thì con người chỉ có một mơ ước duy nhất là “được khỏe”. Lúc
sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nâng
cao thể lực, trí lực của nhân dân. Bác nói: “…mỗi người dân yếu ớt tức là cả
nước yếu ớt; mỗi người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe…”; “… Sức khỏe
không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung. Tạo nguồn sức khỏe, không
chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng”. Đảng và
Nhà nước đã xem “…bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là hoạt động
nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước…”.
Hưởng ứng lời kêu gọi “chung sức cùng ngư dân bám biển” của
UBTƯ MTTQ Việt Nam, “chung sức cùng các lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ chủ
quyền biển đảo của Tổ quốc”. Bộ Y tế đã phát động chương trình “Ngành Y tế cùng
ngư dân bám biển” tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình tập trung
vào các nội dung: Vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngành Y tế và
cộng đồng đóng góp kinh phí để trang bị tủ thuốc y tế chuyên dụng cho các tàu
đánh bắt cá của ngư dân; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sơ cứu ban đầu do
tai nạn, thương tích cho ngư dân; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho
người dân vùng biển đảo và ngư dân bám biển...Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị
Kim Tiến, Y tế biển đảo hiện nay ở nước ta chủ yếu do lực lượng Quân y đảm nhiệm,
các tuyến còn lại do lực lượng dân y kết hợp với quân y nhưng lực lượng còn
mỏng, chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp, trang thiết bị
và thuốc thiết yếu còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy
đủ ý nghĩa của đề án; cơ chế chính sách chưa phù hợp; thiếu kinh phí và nhân
lực; nhiều địa phương chưa chủ động triển khai…
Trước mắt về nguồn nhân lực y tế cho các địa phương này, hiện
Bộ Y tế đã và đang có kế hoạch đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền
núi, biên giới, hải đảo và những vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng
thời, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Biên phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cấp trang thiết bị cứu hộ cứu nạn cho lực lượng kiểm lâm và các tàu
đánh bắt xa bờ. Cũng trong khuôn khổ Lễ phát động, Viện Y học biển Việt Nam (Bộ
Y tế) đã tổ chức lớp tập huấn cho ngư dân về cách sơ cấp cứu ban đầu một số tai
nạn thương tích thường gặp khi ra khơi bám biển.
Sau lễ phát động này, Chương trình "Cùng ngư dân bám
biển" sẽ triển khai các nội dung chính gồm tặng tủ thuốc và dụng cụ sơ cấp
cứu ban đầu cho các tàu ra khơi bám biển; tổ chức nhiều lớp huấn luyện sơ cấp
cứu ban đầu cho ngư dân tại 5 tỉnh miền trung như Quảng Nam, Đà Nẵng,
Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa
Cũng trong tháng 7 vừa qua, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến Bộ trưởng
Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và trao tặng 135 tủ thuốc
cho các tàu đánh bắt xa bờ của Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bảo Ninh, thành phố Đồng
Hới, tỉnh Quảng Bình, thăm và trao tặng 545 tủ thuốc cùng dụng cụ cấp cứu ban
đầu cho Nghiệp đoàn nghề cá thành phố Đà Nẵng và Nghiệp đoàn nghề cá huyện Cẩm
Xuyên, Hà Tĩnh, nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bà con ngư dân để mọi người
dân yên tâm bám biển dài ngày, làm giàu và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ
quốc. Tủ thuốc trao tặng cho ngư dân được trang bị đầy đủ các loại thuốc để
điều trị các bệnh thường gặp, thuốc dùng cho việc sơ cứu các trường hợp tai nạn
thương tích mà ngư dân có thể gặp phải khi đang lao động trên biển. Phát biểu
tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Với quan điểm “sức khỏe là
vốn quý nhất”, toàn ngành Y tế đã luôn đồng hành để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe
người lao động đặc biệt là điều kiện lao động nặng nhọc, khó khăn, nguy hiểm
của bà con ngư dân. Toàn ngành Y tế sẽ đồng hành cùng với bà con ngư dân để mọi
người có một sức khỏe tốt, yên tâm bám biển. Bộ trưởng cũng động viên các ngư
dân: “Hôm nay, với một tình cảm đặc biệt đối với các ngư dân, chúng tôi đến
đây, mang đến cho bà con một món quà tuy giá trị không lớn, nhưng nó có một ý
nghĩa hết sức to lớn, đó là một tủ thuốc gia đình mang trên tàu, với đầy đủ các
loại thuốc điều trị các bệnh thường gặp và một số dụng cụ y tế để bà con có thể
tự chăm sóc sức khỏe khi không thể tiếp cận được với các cơ sở y tế”.
Trước sự quan tâm của toàn xã hội nói chung và ngành y tế nói
riêng, ngư dân các huyện đảo rất cảm động đã gửi lời cảm ơn tới toàn thể đồng
bào trên cả nước và cho biết “chúng tôi thường lênh đênh trên biển để đánh bắt
hải sản, nhiều khi bị đau ốm hay cảm cúm thì cũng chỉ dùng dăm ba viên thuốc
gọi là chứ chưa bao giờ chúng tôi biết để dùng thuốc đúng liều lượng, đúng chỉ
định để đảm bảo sức khỏe. Tủ thuốc với những trang bị đầy đủ dụng cụ y tế
giúp chúng tôi có thể yên tâm hơn để cứu chữa người đau ốm, sơ cấp cứu tai nạn…
là một điều quá hữu ích đối với ngư dân chúng tôi”.
Ngày mai, trên những chiếc thuyền ra biển vươn khơi ngoài
Hoàng Sa, Trường Sa của các ngư dân Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh... đã có thêm
tủ thuốc trên những hải trình. Những tủ thuốc đong đầy tình cảm từ nữ Bộ trưởng
- người đứng đầu ngành cho đến các cán bộ y tế trên khắp cả nước và hơn nữa còn
là tình cảm của nhân dân - những người trong đất liền gửi gắm đến các cột mốc
chủ quyền trên biển.
Có lẽ cũng chẳng cần phải bàn nhiều, việc chăm sóc sức khỏe
của ngành y tế đối với toàn thể cộng đồng nói chung và đối với ngư dân vùng
biển nói riêng là một việc làm mang đậm tính nhân văn. Và đối với việc cấp
thuốc cũng như hướng dẫn chăm sóc sức khỏe để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám
biển là việc làm rất quan trọng, cần thiết, có như vậy vừa là để ngư dân ổn
định cuộc sống, vừa là để khai thác nguồn lợi thủy sản, làm giàu quê hương, đất
nước và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc và khẳng định Hoàng Sa,
Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.
Đảng nhà nước các cấp chính quyền cần có những chính sách như thế này nhiều hơn nữa để đáp lại tinh thần yêu nước của nhân dân trong thời gian qua. Họ đã có 1 tinh thần yêu nước nồng nàn, không ngại gian khổ để bảo vệ mảnh đất, bảo vệ chủ quyền của dân tộc.Đây là việc làm rất quan trọng, cần thiết, có như vậy vừa là để ngư dân ổn định cuộc sống, vừa để phát triển đất nước
Trả lờiXóa