 |
"Trẻ em như búp trên cành" |
Kiều Linh
Lâu nay, trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường chỉ nghe thấy các cụm
từ như “rút ruột các công trình”, “Rút ruột ngân hàng” “rút hầu bao”… chứ chẳng
ai nghe câu “rút ruột trẻ thơ” bao giờ. Khi nghe đến cụm từ này, nhiều người
trong chúng ta không khỏi giật mình, ấy vậy mà nó lại đã diễn ra và hiển hiện
giữa trung tâm thủ đô văn minh thanh lịch.
Theo thông tin phản ánh của một số phụ huynh và báo chí mới đây, nhóm lớp
mầm non tư thục Hoa Đô (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có những hành vi gian lận
trong việc thu chi tiền ăn của các cháu. Cụ thể theo quy định của mầm non Hoa
Đô được áp dụng từ đầu năm 2014, mỗi học sinh phải đóng tiền ăn 25 nghìn đồng/ngày.
Như vậy, tính đến trước ngày 1/7, nhóm lớp này có khoảng 50 trẻ (có độ tuổi từ
18 tháng đến 6 tuổi), thì một ngày ở đây sẽ phải chi 1.250 nghìn đồng để mua thức
ăn cho trẻ. Tuy nhiên, các hóa đơn thanh toán của Công ty thực phẩm Nguyên
Phong (Thanh Xuân, Hà Nội), đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm cho nhóm lớp này
cho thấy hóa đơn thanh toán mỗi ngày chưa tới 200 nghìn đồng, tức là chưa tới
1/6 số tiền thu được để mua thức ăn cho các cháu. Theo giải trình của bà Hương
(hiệu phó), sự việc ăn bớt khẩu phần ăn không phải bắt đầu từ khi thành lập trường
mà từ tháng 1/2014, tăng tiền ăn cho trẻ từ 20.000 đồng/ngày lên 25.000 đồng/ngày.
Tại cuộc họp phụ huynh, bà Thạch Thanh Hương, Hiệu phó Trường mầm non tư
thục Hoa Đô (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) trả lời trước các phụ huynh “Mặc dù
tiền ăn của các cháu thừa, nhưng do các chi phí khác như tiền lương, tiền thưởng
cho giáo viên không đủ nên nhà trường đã chuyển tiền ăn sang mục này”. Khi biết
được những lời biện minh của bà hiệu phó trường mầm non, nhiều người mẹ thấy
trái tim mình như thắt lại, không biết ở trường con mình có bị rơi vào tình trạng
bị ăn bớt khẩu phần ăn như thế này? Liệu đây chỉ là trường hợp cá biệt hay đã
trở thành “chuyện thường ngày” ở hầu hết các trường mầm non hiện nay như nhiều
người nhận định?
Lý giải cho những việc làm thiếu đạo đức của trường mầm non Hoa Đô, nhiều
phụ huynh cho rằng do đời sống của các cô giáo và những người quản lý trường
quá khó khăn nên họ mới hành động như vậy? Trời! lấy lý do đời sống khó khăn để
“bóp miệng con trẻ”, làm những việc được coi là “tội ác” với con trẻ liệu có đủ
sức thuyết phục? Mỗi gia đình có một trẻ đến lớp, họ phải chắt chiu từng đồng để
con cái có thể đến trường, với hi vọng con được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vui
chơi lành mạnh. Vậy mà họ thực sự bị sốc và không ngờ những “cô giáo như mẹ hiền”
lại đối xử với con mình như vậy. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, khẩu phần ăn của
các cháu là rất quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Do các cháu thường được bố
mẹ gửi ở trường cả ngày là chính, vì vậy khẩu phần ăn phải đáp ứng tối thiểu
80%. Ăn uống đủ dinh duỡng, trẻ mới lớn và chống chọi với bệnh tật, để vui
chơi. Vậy mà các mẹ giáo nhẫn tâm “rút ruột” những mầm non tương lai của đất nước
như vậy. Thật là xót xa.
Sinh thời, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “Nghề dạy học là một nghề
cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nhân dân tôn vinh, gọi người thầy, cô
giáo là “Kỹ sư tâm hồn”. Bởi, dạy học không chỉ dạy chữ mà cao hơn là dạy cho học
trò đạo lý làm người. Nên chăng, trước khi làm một người thầy, cô giáo, mỗi người
hãy suy nghĩ cho thật kỹ trong việc lựa chọn ngành nghề cho mình, nếu đã xác định
làm “thầy, cô” thì phải xứng đáng như những người “mẹ hiền”, trẻ em “như búp
trên cành” là mầm non tương lai của đất nước, chúng rất đáng yêu, đáng được
nâng niu, đừng nên có những việc làm đáng xấu hổ, để cả xã hội chỉ trích, lên
án, khinh bỉ như việc làm của trường mầm non Hoa Đô thời gian qua.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét