Trận chiến Vị Xuyên 30 năm về trước
Trong những ngày tháng 7 lịch sử này, cả dân tộc đang hoà
làm một, cùng nhau thắp những nén tâm nhang và bày tỏ lòng thành kính của mình
để tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc
máu xương, dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại
3000 nghĩa trang trên cả nước, lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã diễn
ra nhằm tưởng nhớ công ơn của những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của
Tổ quốc. Cũng như các nghĩa trang trên cả nước, tại nghĩa trang quốc gia Vị
xuyên (Hà Giang), Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh Hà Giang và đông đảo nhân
dân trong cả nước đã tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người
con ưu tú của dân tộc đã hy sinh khi bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc
trong cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biển giới phía Bắc 35 năm trước.
Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu bảo vệ biên giới
phía Bắc tại trận chiến Vị Xuyên. Sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh biên
giới phía Bắc và buộc phải rút quân vào ngày 18/3/1979, Trung Quốc vẫn không từ
bỏ âm mưu xâm chiếm Việt Nam, chúng không rút quân hoàn toàn mà vẫn duy trì lực
lượng ở biên giới và lãnh thổ Việt Nam. Tháng 4/1984, Trung Quốc
dùng cả bộ binh và pháo binh, tấn công chiếm một số điểm cao ở vùng núi Hà
Tuyên. Lúc này, Hà Tuyên chia làm hai tuyến, tuyến trước là vùng chiến sự trong
phạm vi tấn công lấn chiếm của Trung Quốc, trong tầm phá hoại của pháo binh,
còn tuyến sau là những vùng tương đối ổn định phục vụ tuyến trước. Lấn chiếm
biên giới tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên là một phần cuộc chiến tranh phá hoại
mà Trung Quốc tiến hành từ sau thất bại của cuộc chiến xâm lược quy mô lớn trên
các tỉnh biên giới phía Bắc tháng 2/1979.
Trung Quốc vừa dùng máy
bay, thám báo, biệt kích luồn sâu sang đất Việt Nam nắm tình hình, vừa kết hợp
bắn cấp tập pháo cối, chế áp các điểm cao, trục đường giao thông và lực lượng bộ
binh tấn công lấn chiếm đất ta. Cách đánh của chúng không theo quy luật, không
kể ngày đêm, tập trung mật độ lớn với mức độ huỷ diệt vào những khu vực trọng
điểm như đồi Đài, Cô Ích, cao điểm 685, Cót Ép, khu 4 hầm. Số lượng đạn, pháo cối
địch sử dụng trung bình mỗi ngày từ 10.000 đến 20.000 quả. Có ngày tới trên
65.000 quả (7/1/1987). Với cách đánh có chuẩn bị, Trung Quốc kết hợp tấn công
chính diện với bao vây vu hồi, tiến công liên tục bằng nhiều thế đội, trung
bình 3-5 lần mỗi ngày, thay phiên chiến đấu, thực hành chiến thuật lấn đẩy với
lực lượng từ cấp đại đội đến sư đoàn trên các điểm tựa ở Thanh Thuỷ và Tây Sông
Lô. Từ ngày 2/4 đến 27/4/1984, Trung Quốc bắn pháo liên tục vào các trận địa
phòng ngự của ta trên toàn tuyến biên giới. Ngày 28/4, Trung Quốc dùng lực lượng
bộ binh đánh chiếm điểm cao 1509, 1030, 772. Năm 1984 ngoài 23 vụ khiêu khích
trên toàn tuyến, địch tổ chức 3 đợt tấn công quy mô từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến
trung đoàn, lấn sâu vào đất ta 500-2.000m.

Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang)
Để đối phó với âm mưu của
Trung Quốc, Việt Nam tập hợp một lực lượng lớn gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa
phương và dân quân tự vệ. Lực lượng vũ trang đóng ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc
khoảng 30 vạn người. Riêng Vị Xuyên - hướng trọng điểm thường xuyên có 3 trung
đoàn bộ binh và 2-3 sư đoàn. Cuối tháng 6/1984, Việt
Nam quyết định phản công. Trong trận chiến giành lại cao điểm 772, sư
đoàn 356 đã tổ chức hàng chục đợt tấn công dưới sức ép hỏa lực địch từ trên xuống.
Trong năm năm, tỷ lệ thương vong hỏa tuyến cao nhất là sư đoàn 313. Ở sư đoàn
này, trung bình mỗi ngày có 3 thương binh, ngày cao nhất là 23 thương binh.
Trên toàn mặt trận Vị Xuyên, ngày cao nhất có 820 người bị thương (12/7/1984),
trong đó chỉ riêng sư đoàn 356 đã có khoảng 600 người hy sinh. Năm 1989, sư 356
giải thể. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tử, không chịu lùi bước, kiên quyết
đánh bại kẻ thù xâm lược, bộ đội Việt Nam vẫn tiếp tục các đợt tấn công, kết quả
trong vòng 4 tháng (4/1984 - 8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500
quân Trung Quốc.
Đã
30 năm sau trận chiến Vị Xuyên, nhưng những gì mà quân đội và nhân dân Việt Nam
đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của dân tộc
mãi mãi đã trở thành bất tử, trở thành huyền thoại, là bản thiên hùng ca sáng chói
trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Trong
ngày 27/7 này, xin thắp nén tâm hương tới các anh, những người con ưu tú của
dân tộc. Các anh đã trở thành bất tử, sống mãi với non sông, đất nước.
Nam Phong