Lê Quốc Quân tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/02/2014
Nam Phong
Ngay sau khi Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hà Nội khép lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Quốc Quân (sinh năm 1971, trú tại phòng 504, nhà No9, tổ 64, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), về tội “Trốn thuế” (theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự) do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 394/2013/HSST ngày 2/10/2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 19/02/2014, Văn phòng người phát ngôn Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington đã phát đi thông cáo cho rằng: “Việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật thuế để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều gây lo ngại… Việc kết án này tỏ ra không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và những nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế”. Cùng với đó, Văn phòng người phát ngôn Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ còn kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho các “tù nhân lương tâm” và cho phép mọi người Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa.
Đây rõ ràng là một tuyên bố thiếu khách quan, không phản ánh đúng thực tế về chính sách và luật pháp của Việt Nam cũng như thực tiễn đang diễn ra ở Việt Nam và là một tuyên bộ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đáng tiếc thay, cơ quan đưa ra tuyên bố đó lại là Văn phòng của người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi thường xuyên được cung cấp và tạo điều kiện để có những thông tin khách quan về tình hình Việt Nam. Bộ luật Hình sự cũng như tất cả các đạo luật hiện hành khác của Việt Nam đều được Quốc hội thông qua và được ban hành dựa trên các nguyên tắc, trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân. Thể hiện rõ tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ của toàn dân, phản ánh ý chí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm tính dân chủ và sự đồng thuận của xã hội. Mặt khác, trong quá trình xây dựng pháp luật, Việt Nam luôn coi trọng việc nghiên cứu các công ước quốc tế mà mình đã tham gia để vận dụng vào thực tiễn.
Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 4 Luật Báo chí Việt Nam năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1989) quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền: 1) Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; 2) Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin; 3) Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; 4) Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 5) Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó. Điều đó cho thấy, pháp luật Việt Nam luôn bảo đảm sự tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, đồng thời phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Điều 19 của Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966 và có hiệu lực từ ngày 23-3-1976 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Việc thực hiện những quyền trên phải: “Kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Điều 2 Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền được thông qua ngày 10/12/1948 cũng nêu rõ: “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản tuyên ngôn này”, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Cùng với đó, Khoản 2, Điều 29 của Tuyên ngôn cũng quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Điều đó có thể hiểu, thực hiện những quyền trên phải căn cứ theo cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó.
Thực tiễn trên thế giới không có quốc gia nào có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối, quyền này thường bị hạn chế bởi các quy định rất chặt chẽ của pháp luật. Tại Việt Nam, mọi công dân đều có quyền bày tỏ chính kiến của mình, song quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của người khác và lợi ích quốc gia, dân tộc. Cần nhắc lại rằng, bảo đảm, tôn trọng quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân ở Việt Nam thuộc về bản chất của chế độ XHCN.
Quay trở lại với đối tượng Lê Quốc Quân. Nói tới Lê Quốc Quân, chắc hẳn không ít người không biết tới con người này, một người mà có bản lý lịch chẳng lấy gì làm tốt đẹp với “thành tích” vi phạm pháp luật có thâm niên. Tháng 9/2006, Lê Quốc Quân sang Washington, D.C (Hoa Kỳ) dự chương trình học bổng nghiên cứu sinh “Reagan-Fascell” của tổ chức “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ Mỹ” (NED) - một tổ chức chuyên lợi dụng vấn đề dân chủ để kích động lật đổ chính quyền ở các quốc gia mà Mỹ không ưa thích nhưng thực chất là đào tạo Quân cách đối phó, chống lại chính quyền, tìm kiếm tài trợ, sự hậu thuẫn từ nước ngoài… Sau khi về nước thông qua blog cá nhân, qua các đài, báo thù địch với Nhà nước Việt Nam, Lê Quốc Quân thường xuyên có những bài viết, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin sai sự thật cho các trang tin, báo đài nước ngoài để nói xấu chế độ, xuyên tạc chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và kích động người dân. Chỉ trong tháng 5 và 6/2012, trên blog của mình, Lê Quốc Quân đã viết và đăng tải rất nhiều bài xuyên tạc, bôi nhọ chế độ. Là người hiểu biết về pháp luật, nhưng Lê Quốc Quân đã liên tục vi phạm pháp luật Việt Nam, là một nhân vật thường xuyên xuất hiện tại các đám đông gây rối trật tự công cộng với vai trò kích động, lôi kéo. Tháng 4/2011, Quân gây rối trật tự công cộng bên ngoài phiên tòa xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ, bị Công an Quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Tháng 11/2011, Quân tiếp tục tham gia tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ. Công an Quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Căn cứ Nghị định 163/NĐ-CP và hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an Quận Hoàn Kiếm trong năm 2011 đối với Lê Quốc Quân về hành vi gây rối trật tự công cộng… Mặc dù đã được chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tiến hành giáo dục, giúp đỡ nhưng Lê Quốc Quân không những không nhận ra các hành vi vi phạm của mình để tiến bộ mà Lê Quốc Quân còn tiếp tục có những vi phạm như: Không thực hiện trách nhiệm của người được giáo dục, hàng tháng không làm bản kiểm điểm, không báo cáo bằng văn bản với người được phân công trực tiếp giúp đỡ về sự tiến bộ của mình; hai lần đi khỏi nơi cư trú nhưng không khai báo tạm vắng, vi phạm Luật Cư trú đối với người đang thuộc diện quản lý, giáo dục tại xã, phường… Đặc biệt, trong thời gian điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam Lê Quốc Quân đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Ngày 02/10/2013, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam về tội “Trốn thuế” theo quy định tại Điều 161, khoản 3 - Bộ luật hình sự.
Tóm tắt về hành vi phạm tội “trốn thuế” của Lê Quốc Quân: Ngày 27/12/2012, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an Thành phố Hà Nội đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Quốc Quân, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam vì có hành vi phạm tội trốn thuế được quy định tại Điều 161 Bộ Luật Hình sự. Kết quả điều tra bước đầu xác định: Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam có trụ sở làm việc tại tầng 5, nhà A9, D2, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, do Lê Quốc Quân làm Giám đốc được thành lập từ năm 2001, từ đó đến nay đã 13 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lần cuối cùng vào ngày 5/6/2012 với ngành nghề kinh doanh: Cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu, dịch vụ nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường. Lợi dụng pháp nhân trên, Lê Quốc Quân trực tiếp và chỉ đạo nhân viên dưới quyền tìm một số cán bộ, chuyên gia kinh tế để lấy thông tin cá nhân làm các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn, cộng tác viên khống với mục đích để hợp thức việc tăng chi phí của công ty, sau đó làm thủ tục kê khai với cơ quan thuế nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Bằng thủ đoạn trên, trong hai năm 2010 và 2011, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam đã lập và ký hợp đồng với 9 chuyên gia tư vấn nhằm tăng chi phí và giảm thu nhập cho Công ty với số tiền là 1,75 tỷ đồng, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 437 triệu đồng.
Như vậy, Động cơ, hành vi của Lê Quốc Quân đã vi phạm Điều 161, Bộ luật Hình sự. Hành vi đó rõ ràng là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, gây nguy hiểm cho xã hội. Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, xét xử Lê Quốc Quân về tội “trốn thuế” (theo điều 161 Bộ luật Hình sự) cũng như việc Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hà Nội đã y án sơ thẩm đối với bản án hình sự của Lê Quốc Quân ngày 18/02/2014 là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng luật pháp Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế.
Trong tuyên bố, Văn phòng người phát ngôn Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington còn kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các “tù nhân lương tâm” như Lê Quốc Quân... Một lần nữa xin nhắc lại rằng: Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý. Những đòi hỏi nêu trong tuyên bố của Văn phòng người phát ngôn Jen Psaki Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.