Đường 70 trước cổng bệnh viện K (cơ sở Tân Triều)
Lâu nay khi nói tới người lãnh đạo hay nhà lãnh đạo
là mọi người thường hay liên tưởng đến những người có chức, có quyền, những người
nắm giữ cương vị, trọng trách này khác. Nhưng nếu hiểu về người lãnh đạo như vậy
thì chưa đầy đủ. Với không ít người, để trở thành một người lãnh đạo phải đảm bảo được 3 yếu tố: khả năng tạo tầm nhìn, khả năng
truyền cảm hứng và khả năng gây ảnh hưởng. Nói cách khác, người lãnh đạo là người
có khả năng tạo ra tầm nhìn cho một tổ chức hay một nhóm và biết sử dụng quyền
lực của mình để gây ảnh hưởng cho những người đi theo thực hiện tầm nhìn
đó.
Với cá
nhân tôi, một người lãnh đạo hay nhà lãnh đạo chân chính là người phải vừa có
cái “tâm”, vừa có cái “tầm”. “Tâm” ở đây chính là đạo đức, là lương tâm trách
nhiệm với chính mình và những người khác, còn “tầm” chính là tầm nhìn, là năng
lực, là khả năng đảm đương trọng trách, công việc…
Sinh
thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo rèn luyện đạo đức, nhân cách
cho người cán bộ. Người nói: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng… Người cách
mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo
được nhân dân”. Người cũng
luôn xác định: Cán bộ phải là “công bộc” của nhân dân. Chính vì vậy, ngay trong
những ngày đầu giành được độc lập, Người đã nhắc nhở: "Các cơ quan của
Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho
dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh, chúng ta
phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta…”.
Sáng ngày 23/12 vừa qua, trên một số trang mạng xã hội có
đăng tải bức thư xúc động của một người dân ký tên Bình Nguyên về tình trạng
mất an toàn giao thông đối với người đi bộ qua đường trước cổng Bệnh viện K (cơ
sở Tân Triều, huyện Thanh Trì). Đặc biệt là các bệnh nhân và người nhà đang
điều trị tại đây.
Đoạn đường đông đúc, xe cộ nườm nượp mà không có đèn giao
thông, vạch kẻ đường, cầu vượt dành cho người đi bộ. Vì thế mà ở đây đã xảy ra
không ít vụ tai nạn thương tâm.
Ngay sau khi đọc được bức “tâm thư” trên, Bộ trưởng Đinh La
Thăng đã đề nghị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
Khuất Việt Hùng phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khảo sát thực địa,
đưa phương án giải quyết sớm nhất tình trạng người dân phản ánh.
Ngay trong buổi sáng cùng ngày, Ủy ban An toàn giao thông
Quốc gia cùng Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Vụ Kết cầu hạ tầng và
Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tiến hành khảo sát thực tế đoạn
đường quốc lộ 70 đi qua Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều).
Qua khảo sát, ông Nguyễn Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông
Vận tải Hà Nội cho hay, sẽ đề xuất Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội về việc xây cầu
vượt bộ hành qua đường tại khu vực này. Đồng thời giao Ban Quản lý dự án 1 mời
tư vấn khảo sát thiết kế ngay cầu đi bộ phục vụ người dân và bệnh nhân của Bệnh
viện K nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Vậy là, từ sức mạnh của truyền thông bức “tâm thư” kia đã
đến được với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ngay lập tức Bộ trưởng đã có
hành động để đáp ứng nguyện vọng không chỉ của người viết tâm thư này mà còn
của đông đảo người dân thường xuyên qua lại khu vực này. Hành động trên của Bộ
trưởng Đinh La Thăng ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhiều
người dân và dư luận.
Có thể nói rằng, ở trên đất nước ta còn rất nhiều nơi cần
lắm những cây cầu cho người dân đi lại, cho những em bé được đến trường. Nếu Bộ
trưởng Đinh La Thăng đáp ứng được nguyện vọng của người viết lên “tâm thư” này
thì những người khác cũng viết những bức “tâm thư” khác thì sao? Liệu Bộ trưởng
có đủ sức để đáp ứng hết những nguyện vọng đó?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng tâm sự:"Tôi
sẽ còn nhớ mãi đoạn thư tả lại cảnh cô gái 20 tuổi quê Hà Giang qua đường để
vào viện chăm bố đang điều trị ung thư gan đã bị một chiếc xe ô tô 4 chỗ va
phải, ngã sõng soài, gãy chân và phải vào nằm viện điều trị luôn cùng bố. Tình
cảnh trớ trêu khiến người mẹ già lại phải bỏ ruộng nương, lặn lội xuống phố
chăm 2 cha con. Vụ tai nạn vào buổi sáng gần đây của một cậu bé đang điều trị
bệnh ung thư xương và mẹ khi sang bên kia đường để lấy cháo từ thiện thì bị 3
thanh niên đi xe máy phóng nhanh, lướt vù qua, va chạm cũng khiến tôi không thể
cầm lòng...".
“Ý kiến dù chỉ của một người dân cũng cần phải trân trọng,
xem xét nghiêm túc và giải quyết thấu đáo nếu phù hợp”. Đó có thể là câu trả
lời thay cho những câu hỏi ở trên.
Có thể nói, một vị Tư lệnh ngành, một vị Bộ trưởng sau khi đọc
được một bức thư xúc động do người dân gửi đến, sau khi xem xét đã ngay lập tức
chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc khảo sát, kết luận và đáp ứng nguyện
vọng đó thì có thể nói là chuyện đáng được ủng hộ và đó là việc nên làm. Đó
chính là cái “tâm”, là sự quan tâm đến chính những người dân của mình. Thật
đáng trân trọng.
Dưới đây là bức thư hồi đáp Bộ
trưởng Đinh La Thăng của người viết là “tâm thư” từ viện K Bình Nguyên:
"Kính gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng!
Khi đang trên tàu từ Bệnh viện K - Tân Triều về quê thì tôi
biết tin ông chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thi công lối đi cho người qua
đường trước cổng bệnh viện.
Thú thật, tôi rất bất ngờ trước một quyết định nhanh gọn như
thế; đến mức mà tôi đã thoáng nghĩ: mọi việc thật giản đơn...
Tôi và nhiều người cảm ơn ông nhiều lắm lắm! Cảm ơn ông đã
thắp lên ngọn lửa ấm áp trong những ngày cuối năm lạnh giá.
Nhưng thực tế không đơn giản khi ông đưa ra quyết định nhanh
như vậy. Tôi tin rằng, nếu người khác ở cương vị của ông sẽ thận trọng hơn
nhiều: rằng phải xác minh thực tế ra sao, xác minh người viết thư có động cơ
gì; xác minh cả thiệt – hơn khi đưa ra một điều quyết đoán...
Đoạn đường trước Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều).
Tôi nghe nhiều người gọi ông là 'Bộ trưởng của dân' - để
đánh giá và ghi nhận về những việc ông đã làm - rất quyết liệt và hợp lí hợp
tình.
Nhưng tôi lại nghĩ khác, qua những việc ông đã làm, tôi thấy dân mới chính là
bộ trưởng của ông, ông đang thực thi những điều tốt đẹp mà người dân cần.
Điều đó, giúp cho những người dân như chúng tôi đang dần
thay đổi cách nhìn về người đứng đầu các ngành: không phải là cách nhìn lên lấm
lét, ngại ngùng; càng không phải là cái nhìn bâng quơ, xa cách...; mà là ánh
mắt của những người biết trân trọng, cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Một người bạn đang điều trị tại Bệnh viện K đã gọi điện tâm sự với tôi, rằng
“một bài báo có thể giải quyết vấn đề mà người dân mong mỏi hàng năm trời, sức
mạnh truyền thông thật ghê gớm”.
Tôi cười trả lời: “Rất cảm ơn báo chí đã chuyển tải bức thư đến Bộ trưởng.
Nhưng bạn ơi, truyền thông không làm nên sức mạnh đó, mà sức mạnh chính là ở
người đứng đầu, biết thấu hiểu, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Đinh
La Thăng đã lắng nghe, hiểu và làm vì chúng ta!...”
Nhân dịp năm mới 2015, kính chúc Bộ trưởng và gia đình mạnh khỏe, hạnh
phúc!"
Nam Phong