Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Người con đất Việt
Ngày 12/11/2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68
đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm
kỳ 2014-2016. Theo kết quả bỏ phiếu được công bố Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu) trong số 14 nước và lần đầu tiên trở
thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Hội đồng nhân quyền
Liên hợp quốc được thành lập năm 2006 với vai trò là cơ quan quốc tế tối cao về
quyền con người, chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người trên khắp
toàn cầu, hợp tác chặt chẽ và khuyến khích các quốc gia cải thiện nhân quyền.Việc
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
nhiệm kỳ 2014 - 2016 là thành công to lớn trong công tác đối ngoại của Đảng,
Nhà nước ta, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với việc thực thi và đảm
bảo các quyền con người ở Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn.
Trong bài viết này tác giả xin nêu ra một số ý nghĩa của việc Việt Nam chính thức
trở thành thành viên của Hội đồng này.
Trước hết, việc Việt
Nam trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền thế giới đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự
chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Nghị quyết Đại
hội Đảng lần thứ XI đã xác định, về phương châm của đường lối đối ngoại: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc
lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ,
chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có
trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị
ngày 10/4/2013 về hội nhập quốc tế khẳng định: “Chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tích cực và nâng cao hiệu
quả tham gia các diễn đàn các chính đảng; tích cực tham gia các cơ chế hợp tác
nghị viện và liên nghị viện khu vực và quốc tế; mở rộng giao lưu nhân dân,
tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Điều đó, cho thấy việc Việt
Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc - cơ quan
quốc tế tối cao về quyền con người là
sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước ta.
Thứ hai, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi quyền con người
là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, đồng thời cũng thể hiện chính
sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng
góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực này. Ở Việt Nam, quyền
con người được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Hiến
pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), quyền con người được quy định tại
chương V (quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân). Trong bản dự thảo Hiến pháp sửa
đổi năm 1992 đang được trình Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua thì
chương về quyền con người được đặt vào vị trí hết sức quan trọng (chương II), ngay sau chương về chế độ chính
trị (chương I). Bên cạnh đó, trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi
còn quy định một số quyền mới như quyền
hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), quyền bất khả xâm phạm về đời
sống riêng tư (Điều 21), quyền sở hữu tư nhân (Điều 32), quyền được bảo đảm an
sinh xã hội (Điều 34), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36)… Ngoài ra nhiều đạo luật
của Nhà nước ta cũng quy định cụ thể việc thực thi quyền con người như Luật tổ chức Quốc hội; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội;
Luật tổ chức Chính phủ; Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật tổ chức Hội
đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; Bộ Luật Dân sự; Bộ Luật tố tụng dân sự; Bộ Luật
Hình sự; Bộ Luật Tố tụng Hình sự; Luật Báo chí; Luật Xuất bản; Luật khiếu nại,
tố cáo của công dân... Trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt
Nam là thành viên.Những điều này đã khẳng định sự tôn trọng, quyết tâm bảo
vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, khẳng định giá trị, vai trò quan trọng
của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và tư tưởng tôn trọng đối với
các quyền này của Đảng, Nhà nước ta.
Thứ ba, đây là sự
ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu
của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên
tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo,
tín ngưỡng. Có thể nói, trong nhiều năm qua, mọi thành tựu của đất nước
đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế đất nước có lúc gặp khó
khăn, nhưng việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc luôn được
thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi
mới, quyền con người ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo hiệu quả và đầy đủ. Các
chính sách mà Việt Nam đã và đang thực hiện, với con người là trọng tâm, đã
mang lại những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói, phát triển giáo
dục, chăm sóc y tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống và phúc lợi cho người dân.
Đặc biệt, chính sách an sinh xã hội luôn được ưu tiên thực hiện. Đồng bào dân tộc
thiểu số, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, người yếu thế trong xã hội…
là những đối tượng được chăm lo hàng đầu. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, thông tin; quyền làm chủ của công dân;
vấn đề đảm bảo tự do tôn giáo,
tín ngưỡng ở Việt Nam… cũng luôn được coi trọng. Chính vì vậy, việc Việt Nam trở
thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là sự ghi nhận những
thành tựu trong đảm bảo quyền con người ở Việt Nam của cộng đồng quốc tế, là yếu
tố quan trọng thúc đẩy hơn nữa việc đảm bảo các quyền cơ bản của công dân ở Việt
Nam và trên thế giới trong những năm tiếp theo.
Thứ tư,
thể hiện uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu) trong số 14 quốc
gia (Algeria,
Anh, Ả rập Saudi, Cuba, Maldives, Macedonia, Mexico, Morocco, Namibia, Nam Phi,
Nga, Pháp, Trung Quốc) trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm
kỳ 2014 - 2016 là một thành công rất lớn. Tuy nhiên, thành công này không đến
một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc
hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM,
của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị
viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Thể hiện uy tín, vị
thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đánh giá về việc
Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Trưởng phái đoàn
Pakistan tại LHQ Masood Khan nói: “Đây là
một thành công kỳ diệu. Tôi xin được chúc mừng chính phủ và nhân dân Việt Nam
cũng như phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Kết quả bầu chọn rất ấn tượng, cho thấy uy
tín và sức mạnh của Việt Nam trong vai trò một quốc gia đã có những đóng góp
vào quá trình thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Việt Nam là một quốc
gia quan trọng trong khu vực cũng như trong cộng đồng quốc tế”.
Thứ năm,
đây là bằng chứng rõ nét nhất để bác bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc,
vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền của một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí
với Nhà nước Việt Nam. Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, một
số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam không ngừng tìm mọi cách để can
thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trong đó có việc lợi dụng chiêu bài
“dân chủ”, “nhân quyền”. Chúng cho rằng Việt Nam không có nhân quyền, quyền con
người ở Việt Nam không được đảm bảo. Thậm chí họ còn đưa ra những Bản báo cáo
xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh
sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPP)… Khi Việt Nam ứng cử
vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thì đã có không ít lực lượng tung lên mạng
các phỏng vấn tập trung kích động để giảm uy tín của ta. Khi chúng ta trúng cử
vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là các thế lực phản động tiếp tục hoạt động
ráo riết để tẩy chay, thậm chí dựng lên nhiều vụ việc để vu cáo, xuyên tạc, bôi
nhọ về vấn đề vi phạm nhân quyền của chúng ta, nhưng những tiếng nói đấy là những
tiếng nói đơn độc và không thể hiện sự thật trong vấn đề bảo đảm quyền con người
mà Đảng và Nhà nước ta đã thực thi trong thời gian qua. Thế nhưng các đoàn của
quốc tế, đặc biệt là trong đối thoại về vấn đề nhân quyền chúng ta thực hiện với
Mỹ, với các nước Bắc Âu, với EU, họ đã vào Việt Nam và đều khẳng định rằng
chúng ta có tiến bộ vượt bậc. Như vậy,
việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là
minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu
cáo tình hình nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực xấu. Đồng thời là đòn giáng
mạnh vào các đối tượng chuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống Việt Nam.