Dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Những
dòng người kéo dài vô tận quanh ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu đang xích lại gần
nhau hơn, hòa chung nhịp đập cùng một con tim đã vừa dứt hơi thở. Vô phương nối
lại, không kể giàu nghèo, tuổi tác, không kể địa vị, giai cấp, và cùng rơi
chung giọt nước mắt tiếc thương. Hoà vào dòng người đó, những đoàn doanh nhân,
là giám đốc của không ít doanh nghiệp lớn vẫn lặng lẽ xếp hàng, nhẫn nại với từng
bước chân tiến về ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tất cả niềm thành kính
và ngưỡng vọng…
Cuộc gọi điện mời phỏng vấn để kỷ niệm ngày Doanh
nhân Việt Nam (13/10) đã bị từ chối, vị doanh nhân trẻ, là giám đốc của một Tập
đoàn lớn, và cũng là thành viên trong ban điều hành của một hội doanh nghiệp tại
Hà Nội nói vội với tôi rằng: “Giờ các doanh nhân trong Hội đều đang tập trung tập
trung đi viếng Cụ Giáp, nên có lẽ sẽ không kịp trả lời phỏng vấn Báo rồi. Rất
thông cảm cho Hội lần này, các doanh nhân đều muốn dành trọn những ngày trọng đại
và thiêng liêng này để hướng tới Cụ với lòng thành kính nhất…”
Trong số những người đã kiên trì cả hàng giờ đồng hồ
đứng dưới cái nắng vàng hiu hắt trời Thu trên cung đường Điện Biên Phủ - Hoàng
Diệu, ít ai biết đến những vị giám đốc này, những người điều hành doanh nghiệp
lớn, quản lý hàng nghìn nhân viên. Bỏ lại những hợp đồng kinh doanh, những dự án có trị giá hàng tỷ đồng, bỏ lại cả những
lo toan, khó khăn còn dang dở của thương trường khắc nghiệt, những doanh nhân ấy
đã muốn được một lần, làm một người Việt Nam bình dị như bao người Việt Nam
khác, sẽ kiên nhẫn xếp hàng, chờ tới lượt để đi đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu,
được một lần thắp nén tâm nhang ngưỡng vọng tới vị Đại tướng huyền thoại của
Nhân dân, người không chỉ làm nên Lịch sử Dân tộc, mà còn là tấm gương sáng cho
bao thế hệ về những bài học Sống và Chiến đấu.
Có vị doanh nhân chia sẻ, họ vừa tham dự Chương
trình kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 do Câu lạc bộ nhà Công thương Việt
Nam tổ chức, được nghe bức tâm thư cuối cùng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi
cho cộng đồng Doanh nhân Việt Nam, nên càng thấm thía những hơn những giá trị,
tâm huyết và niềm hy vọng mà Người đã dành cho các doanh nhân. Đặc biệt, những
lời nhắn gửi rất thân tình, sâu sắc cùng sự căn dặn hết sức ý nghĩa đối với các
doanh nhân nơi thương trường mà Đại tướng đã gửi gắm trước khi đi xa, càng đáng
trân trọng và có giá trị to lớn. Cùng với đó, chính là sự tự hào, là tinh thần,
trách nhiệm to lớn mà Đại tướng đã tin tưởng: “Doanh nhân Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là “nhạc
trưởng” tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.
Giữa cái ồn ào, náo nhiệt giữa phố xá Hà Nội, trong
tâm hồn mỗi người đứng trong dòng người kéo dài bất tận như tinh thần bất diệt
của dân tộc được truyền lại qua nhiều thế hệ dường tĩnh lặng hơn. Dường như, ai
cũng giấu trong nỗi lòng nét mặt trầm ngâm, suy tư, những nỗi niềm và giá trị sống,
chiến đấu bất hủ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại cho đời. Tâm hồn người
doanh nhân đứng trong dòng người ấy cũng tĩnh lặng lạ thường, để có thể suy
nghĩ nhiều hơn về những giá trị mà vị Tướng huyền thoại của Dân tộc đã gửi gắm.
Những lời căn dặn đầy trăn trở của Đại tướng như quanh quẩn đâu đây trong suy
nghĩ trầm tư của người doanh nhân: “Mong
các đồng chí sẽ giữ vững ý chí vươn lên theo tinh thần luôn luôn đổi mới luôn
luôn sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với
ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn... không ngừng mở rộng tầm nhìn,
phát triển thị trường, xây dựng doanh nghiệp vươn tới trình độ khu vực và quốc
tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của
dân tộc”.
Có lẽ, là người Việt Nam đã sống và trưởng thành
cùng quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của dân tộc, không có ai không
biết đến những trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà Đại tướng Võ
Nguyên Giáp đã chỉ huy. Thậm chí, tài điều hành và nghệ thuật quân sự lỗi lạc của
Đại tướng còn có sức ảnh hưởng lớn cuộc sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong
thời bình. Trong đó, với thương trường và giới doanh nhân, không thể phủ nhận
những triết lý quân sự tài năng của Người cũng đã mang lại những bài học có giá
trị to lớn và sâu sắc. Những bài học điều binh, khiển tướng của Đại tướng đã được
doanh nhân Robert Grant đưa vào cuốn Phân tích chiến lược đương đại để làm những
bài học vận dụng trong xây dựng chiến lược kinh doanh.
Nếu xem chiến trường xưa như thương trường ngày nay,
có thể thấy rất nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam đang bị “thống trị” bởi
các tập đoàn lớn của nước ngoài, cũng như đội quân hùng mạnh của Pháp và Mỹ đã
bao vây và đe dọa lực lượng quân đội nhỏ bé của Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân Việt
Nam cũng không có nhiều tiềm lực, nguồn lực mạnh khi có đến 98% doanh nghiệp của
Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, khi Việt Nam hội nhập ra
trường quốc tế, trên một sân chơi bình đẳng với những cạnh tranh khốc liệt, thậm
chí là cuộc chiến “một sống – một còn” giữa doanh nghiệp Việt Nam với các tập
đoàn lớn quốc tế, đã có không ít lo ngại trước sức mạnh của các đối thủ lớn
trên thế giới. Ông Cao Sỹ Kiêm, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và cũng là
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, người hiể rõ nhất những khó
khăn của khối doanh nghiệp này khi biết những “yếu thế” của doanh nghiệp là cả
về quy mô vốn, công nghệ, thị trường, kỹ năng quản lý… Do đó, ông Kiêm cho rằng
việc chuyển hoá tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn để áp
dụng trong hoạt động kinh tế là điều cần thiết.
Đó không chỉ là triết lý “lấy yếu, thắng mạnh”, tức
là phát huy những thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, lựa chọn thị trường ngách
để giành thị phần, mà còn là triết lý triết lý “đánh chắc, thắng chắc”. Thay vì
đánh nhanh thắng nhanh có thể mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt, ông
Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng VIện quản lý kinh tế trung ương cho rằng các
doanh nhân Việt cần nghĩ đến tư duy chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả,
chậm mà chắc. Thực tế nhiều doanh nghiệp một thời phát triển hùng mạnh đứng trước
nguy cơ phá sản vì đầu tư dàn trải, ồ ạt vào nhiều lĩnh vực, phát triển nóng là
thực tế chứng minh cho chiến lược “đánh chắc, thắng chắc” luôn là cần thiết. Ông
Lâm Chí Quang -Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp ViệtNam
(VEAM), người đã vận dụng khá tốt chiến lược này của Đại tướng đã ví, mỗi dự án
đầu tư, mỗi thương vụ kinh doanh như một trận đánh. Do đó, nếu không có sự chuẩn
bị kỹ lưỡng, không nghiên cứu kỹ đối thủ “biết mình, biết ta” thì rất khó để
thành công.
Trở lại câu chuyện của đoàn doanh nhân đã kiên nhẫn
chờ hàng tiếng đồng hồ để vào ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, sau nhiều tiếng đồng hồ,
đoàn đã vào đến ngôi nhà để có thể nói với Đại tướng lời hứa danh dự của những
Doanh nhân - Chiến sỹ trong thời đại mới, thời đại cống hiến xây dựng kinh tế
và phát triển đất nước. Saul hàng giờ đồng
hồ chỉ để được chắp tay vái lạy, nhìn lên di ảnh của Người trong ngôi nhà mà
NGười đã sống, song khoảng khắc ấy đã khiến không ít doanh nhân ngộ ra rằng:
Thì ra, Đại tướng đã đi rồi, nhưng Người vẫn để lại cho Đời một bài học, đó là
lòng kiên trì và nhẫn nại với mục đích và ước mơ của mình. Và nhiều Doanh nhân
biết, để xây dựng doanh nghiệp thành công, xây dựng đất nước giầu mạnh, thì
cùng với sự sáng tạo, đổi mới, đó chính là sự bền bỉ và tự tin với “Con đường
ta đã chọn”!
Cẩm An
Có lẽ trong những ngày này điều quan trọng đối với mỗi con người Việt Nam là phải làm sao đến để viếng được đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ vì vị trí, tầm ảnh hưởng của người mà còn là vì nhân cách, công lao của người đối với toàn thể đất nước Việt Nam. Ai cũng thế thôi, dù là người dân bình thường, giáo viên, công chức và đặc biệt là doanh nhân, phần lớn ảnh hưởng từ hình ảnh, sự kích lệ của đại tướng trong những năm qua
Trả lờiXóanhững dòng người đến viếng Đại tướng tỏ ra rất văn minh lịch sự, thể hiện văn hóa của người Việt không chen lẫn không xô đẩy từ từ xếp thành hàng rồi vào viếng đại tướng. Bác biết người dân gây lộn mất an ninh thì hẳn bên kia chắc bác không vui. hòa chung vào những dòng người vào viếng Bác có tất cả những thành phần xã hội từ người già các cụ chiến binh năm nào? những trung niên, thanh thiếu niên. tất cả người dân đang tỏ lòng kính trọng của mình tới đại tướng.
Trả lờiXóatriết lý quân sự của người không chỉ được áp dụng ở Việt Nam mà còn nhiều nước châu phi châu mĩ cũng đã học tập triết lý quân sự đó tự giải phóng cho dân tộc mình. bác được coi là vị lãnh đạo hàng đầu của thế giới trong phong trào đánh đuối đế quốc giành độc lập tự do. còn đó là những đức tính cao đẹp của người, những triết lí cơ bản trong cuộc sống là những bài học mà bác vẫn thường hay nhắc nhở con cháu noi theo. một vị anh hùng giản dị
Trả lờiXóaCả nước đang hướng về một trái tim vừa ngừng đập. Ngập ngùi, tiếc nuối, lòng thành kính sâu sắc đối với người anh cả của dân tộc, người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh. Những đóng góp của người thật quá lớn lao. Những triết lý quân sự tài năng của người cũng đã mang lại những bài học có giá trị to lớn và sâu sắc đến thế hệ doanh nhân ngày nay. Đó là sự vận dụng chiến lược điều binh khiển tướng của người vào chiến lược trong kinh doanh. Quả thật đó là sự vận dụng hết sức sáng tạo. Chính đại tướng đã truyền thêm nhiệt huyết cho thế hệ trẻ ngày nay xây dựng đất nước trong thời bình.
Trả lờiXóa