Giáo dân tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự tại Nghi Phương
Thời gian qua, tại giáo
xứ Mỹ Yên, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã xảy ra những hành vi
vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có tính hệ thống của một số giáo dân. Câu
chuyện bắt đầu vào ngày 22/5/2013 hai đối tượng là Ngô Văn Khởi - Ban hành giáo
xứ Mỹ Yên và Nguyễn Văn Hải - giáo lý viên cùng một số người cực đoan kích động
đám đông bao vây, đánh đập người gây thương tích và đập phá nhà anh Đậu Văn
Sơn, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc gây thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng.
Sau khi tiến hành các biện pháp điều tra, ngày 27/6/2013, cơ quan điều tra Công
an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm
giam hai đối tượng Ngô Văn Khởi, Nguyễn Văn Hải với các tội danh “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
sức khỏe cho người khác” (quy định tại Điều 104 BLHS 1999), “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”
(quy định tại Điều 123 BLHS 1999), “Tội
hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (quy định tại Điều 143 BLHS 1999),
“Tội gây rối trật tự công cộng” (quy
định tại Điều 245 BLHS 1999). Việc tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và
bắt tạm giam của cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành đúng trình
tự, thủ tục quy định tại Điều 80 BLTTHS về “Bắt
bị can, bị cáo để tạm giam” như có lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam của
Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân
dân cùng cấp, khi bắt có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương… Tại
cơ quan điều tra, hai bị can đã khai nhận về hành vi phạm tội của mình và mong
muốn được nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, sau sự việc
này, một số linh mục thuộc Văn phòng Tòa giám mục Xã Đoài, người nhà của các
đối tượng trên cùng một số phần từ giáo dân quá khích liên tục có những văn
thư, hành động nhằm tạo sức ép, yêu cầu chính quyền phải thả người. Đỉnh điểm
là vào 8h30 phút ngày 03/9/2013, lúc Đảng ủy, UBND xã Nghi Phương đang làm
việc, có khoảng 200 giáo dân đã kéo lên trụ sở UBND xã Nghi Phương, huyện Nghi
Lộc đe dọa, phong tỏa trụ sở làm việc và giam giữ trái pháp luật 6 cán bộ bao
gồm Phó chủ tịch UBND huyện, Bí thư và Phó Bí thư huyện đoàn, Chủ tịch Hội nông
dân huyện, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã và Phó Bí thư thường trực Đảng ủy
xã Nghi Phương. Đến 13h30 cùng ngày, số lượng giáo dân kéo về trụ sở UBND xã
mỗi lúc một đông, có thời điểm lên đến khoảng 400 người. Trong suốt thời gian
giam giữ người trái pháp luật, các đối tượng quá khích đã không ngừng chửi bới,
lăng mạ, xé rách áo, thậm chí dùng tay tát vào mặt các cán bộ chính quyền. Một
số giáo dân đã dùng vũ lực uy hiếp buộc Chủ tịch UBND xã viết giấy cam kết, ký
tên, đóng dấu đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An thả 02 đối
tượng vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ nói trên ngay sau đó một ngày (tức là vào
chiều ngày 04/9/2013) và yêu cầu Phó chủ tịch UBND huyện ký xác nhận vào giấy
cam kết này. Đến 17h45 ngày 3/9/2013 các đối tượng quá khích mới giải tán và
lúc này, các cán bộ huyện và xã mới có thể ra về. Tiếp đến chiều ngày 4/9/2013,
hàng trăm giáo dân kéo đến trước cửa trụ sở UBND xã Nghi Phương để gây sức ép
đòi thả người theo cam kết của chủ tịch UBND xã. Khi lực lượng bảo vệ tiến hành
giải thích cho quần chúng giáo dân rằng chính quyền xã không có thẩm quyền thả
người, vận động quần chúng giáo dân giải tán, đảm bảo an ninh trật tự tại đây
thì số quần chúng quá khích dùng đá, gậy gộc và nhiều loại hung khí (đã được
chuẩn bị từ trước) tấn công cán bộ và người dân có mặt tại đây khiến nhiều
người bị thương nặng.
Qua sự việc này có thể
thấy, các hành vi của số giáo dân trên đã cấu thành các tội danh “Tội bắt,giữ hoặc giam người trái pháp luật”,
“Tội chống người thi hành công vụ”, “Tội gây rối trật tự công cộng”, “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
sức khỏe cho người khác”.
Đáng chú ý hơn, sau sự
việc vi phạm pháp luật của số giáo dân nói trên, Giám mục Nguyễn Thái Hợp trả
lời phỏng vấn BBC, ra Thư chung gửi đến toàn thể Linh mục, tu sĩ, giáo dân Giáo
phận Vinh đã được một số website đăng tải trong đó cho rằng sự việc xảy ra ngày
3, 4/9/2013 hoàn toàn do lỗi của chính quyền, do chính quyền đã không thực hiện
đúng cam kết thả người. Có thể thấy Giám mục Hợp đã thiếu trách nhiệm, cố tình
xuyên tạc sự thật, đánh lừa những người không am hiểu pháp luật, bao che cho những
vi phạm pháp luật của giáo dân. Thứ nhất, giấy cam kết được viết
trong hoàn cảnh bị một số quần chúng giáo dân dùng vũ lực ép buộc, không xuất
phát từ sự tự nguyện của Chủ tịch UBND xã Nghi Phương. Thứ hai, theo quy định
của pháp luật tố tụng hình sự thì Giấy cam kết thả người của Chủ tịch UBND xã
Nghi Phương là không có giá trị pháp lý. Theo Điều 33 BLTTHS thì các cơ quan
tiến hành tố tụng gồm có Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; Toà án và những người
tiến hành tố tụng gồm có Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra
viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó
Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án. Như vậy có thể thấy UBND
xã và Chủ tịch UBND xã không có thẩm quyền tham gia quá trình tố tụng hình sự. Hơn
nữa, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 34; điểm c, khoản 2, Điều 36; điểm
a, khoản 2, Điều 38; điểm a, khoản 2, Điều 39 BLTTHS thì chỉ có Thủ trưởng Cơ
quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án nhân dân và Thẩm phán
mới có thẩm quyền ra quyết định, hủy bỏ hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với
hai bị can Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải là bắt để tạm giam, tạm giữ do đó chỉ
có những người nêu trên mới có thẩm quyền ra quyết định thả hai bị can này.
Ngày 7/9/2013, Cơ quan
Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành công bố các quyết định Khởi
tố vụ án hình sự về các sự việc xảy ra tại xã Nghi Phương, Nghi Lộc trong các
ngày 3/9/2013, 4/9/2013 với các tội danh: Tội gây rối trật tự công cộng; Tội
bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và Tội chống người thi hành công vụ.
Đây là một việc làm cần thiết, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật để lập
lại kỷ cương, phép nước.
Thiết nghĩ, đối với
những hành vi coi thường pháp luật như của số quần chúng giáo dân nêu trên, các
cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh những
đối tượng vi phạm để răn đe, làm gương cho người khác. Bên cạnh đó, các cấp
chính quyền, các ban, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho quần
chúng nhân dân hiểu rõ bản chất vụ việc, hiểu rõ chủ trương giải quyết vụ việc
của chính quyền từ đó không tin, không nghe theo những luận điệu lừa bịp, vu
khống của số đối tượng xấu, yên tâm lao động, sản xuất. Đồng thời, đối với
những chức sắc đạo Thiên chúa, với vai trò là vị “chủ chăn” của quần chúng giáo
dân cần phát huy trách nhiệm của mình, khuyên răn quần chúng giáo dân nghiêm
chỉnh chấp hành pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”; đối thoại, phối hợp với các
cấp chính quyền để nhanh chóng giải quyết vụ việc, ổn định tình hình, đảm bảo
cuộc sống bình thường của người dân, đảm bảo khối đoàn kết lương - giáo. Đối
với quần chúng giáo dân, cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật theo đúng tinh
thần Huấn từ, Sứ điệp mà Giáo hoàng BenedictXVI đã giáo huấn “là một giáo dân
tốt cũng là một công dân tốt”.
Lê Quang
Tất cả mọi người đều sống theo hiến pháp và pháp luật, không bất kỳ ai đứng trên pháp luật và thao túng pháp luật.
Trả lờiXóaThông tin hữu ích về khách sạn.
http://ksvadl.com/khach-san-ha-tinh
http://ksvadl.com/cua-lo