 |
Chủ nghĩa Mac -Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam |
Trong
góp ý bổ sung, sửa đổi dự thảo Hiến pháp 1992 có nhiều ý kiến góp ý liên quan đến
vấn đề nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là chủ nghĩa Mac – Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi đọc trên một số trang mạng thấy một vài ý kiến đưa
ra quan điểm không đồng tình, có ý kiến dưới dạng “thư ngỏ” để vừa đưa quan điểm vừa giải thích cho sự không đồng
tình đó.
Chẳng
có gì lạ khi có một vài ý kiến như vậy. Bởi vì, phàm đã là con người thì không
phải ai cũng giống ai. Cái “bề ngoài” đã muôn hình muôn vẻ thì cái “tâm bên
trong” cũng có “muôn hình vạn trạng”. Điều quan trọng, cái gì đã là chân lý thì
khó có thể xuyên tạc và nói khác đi được. Do đó, thật dễ để nhận thấy cái “nhỏ
nhen”, cái “ngụy biện”, cái “cá nhân”…trong những không đồng tình nói trên.
Phải khẳng định
luôn, Đảng Cộng sản Việt Nam chính là nhân tố cho mọi thắng lợi của cách mạng
Việt Nam. Kể từ khi ra đời năm 1930, trải qua các giai đoạn cách mạng của dân tộc,
Đảng đã thực sự chứng tỏ được vai trò của mình, lãnh đạo nhân dân Việt Nam
giành độc lập và tự do cho đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình ấm no, hạnh
phúc cho nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lại tiếp tục
lãnh đạo đất nước phát triển giàu mạnh, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn
minh.
Trải
qua hơn 80 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định sự đúng đắn trong đường lối
lãnh đạo đất nước. Đảng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mac – Lênin vào hoàn cảnh
cụ thể của nước ta. Phải khẳng định chủ nghĩa Mac – Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Đành
rằng góp ý là tốt, nhưng đã cất công suy tư rồi viết thành góp ý thì phải góp ý
cho đúng, cho phù hợp, chân thành. Thế mà có người hình như chỉ chờ dợi hay
mong mỏi thông qua góp ý để thực hiện “mục đích” của riêng mình. Bày vẽ ra hình
thức “thư ngỏ” hay “đôi lời góp ý”…chẳng qua là cách để giấu đi cái ý định
không tốt của mình. Cũng không chừng, các vị ấy “không chịu hiểu” điều mà lịch
sử đã chứng minh.
Thế
thì tôi cũng xin mạn phép mà nói cho họ thế này!
Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu
trí tuệ của nhân loại. Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời trên
cở sở những tri thức tiên tiến nhất của thời đại về khoa học tự nhiên, khoa học
xã hội và những thành tựu về lý luận trong triết học, kinh tế chính trị và tư
tưởng xã hội chủ nghĩa. Kế thừa, tiếp thu và phát triển những thành tựu trí tuệ
của nhân loại. C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã sáng tạo ra học thuyết khoa học
và cách mạng cho giai cấp vô sản, đó là chủ nghĩa xã hội khoa học. Do vậy, chủ
nghĩa Mác - Lênin là thành tựu trí tuệ chung của nhân loại.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết
duy nhất nêu lên mục tiêu chung là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải
phóng con người và chỉ ra lực lượng, con đường, phương thức đạt mục tiêu đó
Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: quần chúng nhân dân là người sáng tạo lịch sử;
cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Điều đó đã chỉ ra cho xã hội, đặc biệt
là giai cấp công nhân, nhân dân lao động, phương pháp luận đúng đắn để nhận thức
và cải tạo thế giới.
Chủ
nghĩa Mác - Lênin đã phân tích điều kiện kinh tế - xã hội và khẳng định giai cấp
công nhân là giai cấp cách mạng triệt để nhất trong cuộc đấu tranh xóa bỏ ách
áp bức, bất công và tình trạng người bốc lột người. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ
tư tưởng của giai cấp công nhân, là vũ khí lý luận sắc bén của giai cấp công
nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp mình, qua đó giải phóng xã hội và
giải phóng con người.
Chủ
nghĩa Mác - Lênin không chỉ giải thích mà còn vạch ra con đường, những phương
tiện cải tạo thế giới. Đó là mối liên hệ hữu cơ, biện chứng giữa lý luận cách mạng
và thực tiễn cách mạng. C. Mác viết: “…lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật
chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống lý
luận toàn diện, học thuyết khoa học, cách mạng hoàn chỉnh.
Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng trong triết học mác xít
làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên triệt để và phép biện chứng trở thành lý luận
khoa học. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã chỉ rõ sự chuyển biến từ một hình thái
kinh tế - xã hội này sang một hình thái kinh tế - xã hội khác như một quá trình
lịch sử tự nhiên.
Quy
luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
thể hiện sự vận động, thay thế các phương thức sản xuất trong xã hội. Đó là cơ
sở để khẳng định sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản, sự thắng lợi tất yếu
của chủ nghĩa xã hội.
Học
thuyết giá trị thặng dư đã chỉ rõ mục đích và quy luật vận động của phương thức
sản xuất tư bản chủ nghĩa, từ đó vạch ra bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất
tư bản chủ nghĩa.
Học
thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản đã chỉ rõ giai cấp công nhân là
người lãnh đạo cuộc đấu tranh để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế
độ xã hội chủ nghĩa, giải phóng giai cấp mình, đồng thời giải phóng xã hội.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự thống nhất
hữu cơ giữa thế giới quan khoa học và phương pháp luận mácxít.
Thế giới quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin giúp con người hiểu rõ
bản chất của thế giới là vật chất. Thế giới (tự nhiên, xã hội) và tư duy của
con người vận động, biến đổi theo những quy luật khách quan. Con người thông
qua hoạt động thực tiễn có thể nhận thức, giải thích và cải tạo thế giới. Phương
pháp luận mácxít giúp xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan, toàn diện,
phân tích cụ thể theo tinh thần biện chứng. Sự thống nhất giữa thế giới quan và
phương pháp luận đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành một hệ thống lý luận
mang tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết mở,
không ngừng đổi mới, phát triển của tri thức nhân loại.
C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các
ông không phải là cái đã xong xuôi hẳn, còn nhiều điều các ông chưa có điều kiện,
thời gian, cơ hội nghiên cứu. Theo các ông, phát triển lý luận Mác - Lênin là
trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp sau, của những người mácxít chân chính, nếu
họ không muốn trở nên hậu với thời đại của họ. Trên thực tế, ngay trong quá
trình hình thành và phát triển hệ thống quan điểm lý luận của mình, các nhà
kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã điều chỉnh một số luận điểm đã trở
nên lạc hậu, phát triển, bổ sung những quan điểm lý luận mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự
vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của
nước ta.
Từ
chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu bản
chất khoa học và cách mạng của học thuyết này. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng
Việt Nam, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản của
chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết thành công những vấn đề cơ bản của cách mạng
Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kết quả
vận dụng sáng tạo và phát triển đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, sự bổ sung vào kho
tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự
kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chủ
nghĩa yêu nước truyền thống, ý chí độc lập, tự cường; đoàn kết, nhân ái, khoan
dung, tinh thần cộng đồng; lạc quan yêu đời, cần cù, thông minh, sáng tạo… của
dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển. Tư tưởng của
Người là sự kết tinh những tinh hoa văn hóa, tinh thần trí tuệ, đạo đức của dân
tộc Việt Nam. Vì vậy, Đảng ta đã khẳng định: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông
đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người
đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của
việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại
Trong
suốt cuộc đời, đặc biệt trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh luôn
tìm tòi, học hỏi và tiếp thu có chọn lọc, có phê phán các quan điểm của các trường
phái triết học, các trào lưu tư tưởng trên thế giới, cả phương Đông và phương
Tây, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, phát triển lên, trở thành tư tưởng của
mình.
Trong
ba nguồn gốc trên, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt chủ nghĩa yêu nước
là cơ sở ban đầu, là động lực thúc đẩy Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin, làm cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có nội dung mới, tầm cao mới, “độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc chủ
yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cho việc phát triển các giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại có định hướng khoa học
và cách mạng đúng đắn. Tinh hoa văn hóa nhân loại làm phong phú và sâu sắc thêm
chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của
các nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Người.
Những
điều kiện trên cũng đã đến với nhiều người cùng thời với Hồ Chí Minh, nhưng chỉ
với Hồ Chí Minh những điều kiện đó mới được kết hợp lại, phát triển lên, trở
thành tư tưởng Hồ Chí Minh bởi có sự tham gia của các phẩm chất cá nhân của Người.
Thứ nhất,
đó là khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cùng với sự nhận xét, phê phán
tinh tường, sáng suốt trong việc nghiên cứu, tìm hiểu.
Thứ hai, là sự khổ công học tập nhằm chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú
của nhân loại, kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân thế giới trong phong trào giải
phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế.
Thứ ba,
trong quá trình đi đến chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã trải qua cuộc sống
của người công nhân lao động thực sự, luôn hòa mình với đời sống của giai cấp cần
lao. Chính đó là yếu tố chủ quan then chốt, quyết định bước chuyển từ chủ nghĩa
yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lê nin, để Người trở thành một chiến sĩ cách mạng
nhiệt thành; thương yêu những người cùng khổ; sẳn sàng hy sinh vì độc lập của Tổ
quốc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào.
Từ những tâm sự trên, tôi chỉ muốn nói
lại với những ai còn mơ hồ rằng: Bài học lớn luôn được đặt ở vị trí hàng đầu của
cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt qua hơn 27 năm tiến hành
công cuộc đổi mới, là phải “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Người Thủ Thư